Đất mặn: Nỗi niềm nông dân thiếu đất

Bộ phim phỏng theo các bài ký sự trong các tập Đồng cỏ chát, Nỗi niềm U Minh Hạ (Võ Đắc Danh), trường ca Đồng (Nguyễn Trọng Tín). Phim kể câu chuyện đầy trăn trở của những người nông dân mất đất. Quá trình đô thị hóa đã đẩy nông dân ra khỏi thửa ruộng, tách khỏi mảnh đất chôn nhau cắt rốn chứa đựng trong đó cả nền văn hóa, đời sống của cha ông.

Từ thực tiễn của ông Sáu Hậu

Bối cảnh phim là đồng bằng sông Cửu Long, vùng thuần nông được biết đến là vựa lúa của cả nước. Nhân vật trung tâm của câu chuyện là những người nông dân. Nhà biên kịch Võ Đắc Dự đã chọn thành phần trung nông làm đại diện cho nông dân với nhân vật Ba Mạnh. Ý tưởng về người trung nông được tích lũy từ kinh nghiệm làm phim tài liệu về thực tiễn thực hiện khoán nông nghiệp ở Hậu Giang theo mô hình thí điểm của ông Sáu Hậu (Lê Phước Thọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng). Trái với quan điểm của số đông thời đó, ông Sáu Hậu đã chọn trung nông là cán bộ khung để xây dựng tập đoàn sản xuất nông nghiệp và tạo ra một tập đoàn giàu mạnh thật sự trong lúc đa số các đơn vị kinh tế tập thể khác thua lỗ, đi tới tan rã. Nhà biên kịch Võ Đắc Dự phát hiện ra chính những người trung nông Nam Bộ với quá trình canh tác lâu dài đã có tầng sâu văn hóa, kiến thức, kinh nghiệm và lòng yêu đất như máu thịt.

Đất mặn: Nỗi niềm nông dân thiếu đất ảnh 1

Lê Phương trong vai Cúc, một thôn nữ, đang hồi tưởng lại cảnh gánh nước, cùng giặt áo bên bờ ao khi nghe tin có dự án sân golf. Ảnh: TRÀ GIANG

Ba Mạnh - nhân vật chính trong phim có đủ những đặc điểm trên. Ông vốn là nông dân nòi, rất yêu đất. Ông quan niệm: Nghề nông muốn làm giàu thì phải có nhiều đất. Ông tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vì một mục tiêu rất gần gũi rõ ràng để giữ đất, giữ làng. Sau chiến tranh ông quay về làm ruộng không màng công lao thành tích. Hiểu được đất không chỉ từ giá trị thực dụng làm ra lúa, ông hiểu rõ sinh thái nước mặn ngọt sẽ cho ra những nếp sống khác nhau. Khi con tôm có giá, người ta phá đập lấy nước mặn vào để nuôi tôm. Riêng Ba Mạnh đắp đê quyết giữ mảnh vườn của mình không để nước mặn xâm nhập. Người ta chê cười ông bảo thủ nhưng khi mùa nắng đến, cả làng lại bám lấy những ao nước ngọt của ông vì đó là nguồn nước ngọt duy nhất còn lại. Tôm thất mùa, dịch bệnh, đa số sạt nghiệp, ai cũng nợ nần, dân tình bỏ đi tứ tán làm thuê làm mướn. Riêng Ba Mạnh vẫn bám trụ đất và khôi phục lại nghề nông bao đời.

Nỗi niềm thiếu đất

Quá trình đô thị hóa lan đến, dự án làm sân golf mở ra trên đất lúa. Nhiều nông dân ngán con tôm vui mừng nhận tiền “bán” đất thì Ba Mạnh kiên quyết giữ lại mảnh đất của mình. Những nông dân sau phút mừng vui nhận tiền đất chóng vánh rơi vào tình thế hoang mang không biết sử dụng tiền ấy làm gì. Họ dần dần nhận ra họ đã mất đi giá trị sống, mất ký ức đồng quê. Đau đớn nhất là nhân vật Chín Cửu. Từng theo phe ủng hộ nuôi tôm, khi sạt nghiệp, Chín Cửu dắt vợ con bỏ đất đi Bình Dương lập nghiệp. Nghe tin có dự án sân golf, Chín Cửu quay về bán đất. Nhận đống tiền đền bù, cũng là lúc Chín Cửu nghe tin con gái ở Bình Dương đã “tuyển” được chồng Đài Loan. Khi con gái đưa chàng rể Đài Loan về ra mắt, vào con nước sát. Chín Cửu phải cõng con rể từ dưới ghe qua bãi bồi lên nhà vì chú rể là một ông già tật nguyền. Lúc này, Chín Cửu đau đớn nhận ra mớ tiền đền bù đất không thể chuộc lại hạnh phúc và cả cuộc đời son trẻ đứa con gái của mình. Hay như tình huống của một nông dân khác, khi lái xuồng đưa xác người mẹ từ bệnh viện trở về, anh chợt nhớ ra là không còn đất để mai táng mẹ. Anh đành chôn cất người mẹ ở lòng sông cạn.

Giá trị sống trong đất

Phim đứng ở góc độ người nông dân để nói lên những mất mát, tâm tư của họ khi mất đất. Tác giả kịch bản - anh Võ Đắc Dự đã viết một kịch bản thấm đẫm chất nông thôn, nông dân. Và các diễn viên trong phim, nhiều người cũng là nông dân thứ thiệt. Có thể nhìn thấy đúng rặt nông dân trong nhân vật của Đất mặn.

Đạo diễn NGUYỄN TƯỜNG PHƯƠNG

Phim đan xen giữa quá khứ và hiện tại thể hiện chiều dài lịch sử Nam tiến của người Việt. Phim chắt lọc nhiều chi tiết từ đời sống để thể hiện số phận, tâm tư của người nông dân với mảnh đất họ sống.

Đạo diễn Nguyễn Tường Phương phân tích đất với người nông dân như cá với nước. Có phân cảnh trong buổi họp, Ba Mạnh đã đến tặng ban dự án sân golf một con cua đã rụng hết que càng. Ông Ba Mạnh chỉ nói ngắn gọn: “Người nông dân chúng tôi mất đất như con cua đã mất hết que càng”. Điều đó đủ nói lên đất đai quan trọng với họ nhường nào.

Bộ phim không đề cập đến chủ trương chính sách kinh tế vĩ mô mà khai thác số phận của nông dân. Xuyên qua thời gian trải dài từ thời kỳ người dân Ngũ Quảng vào khai phá phương Nam đến hiện tại, người xem nhìn thấy cuộc đời nông dân. Cuộc đời thăng trầm cùng với đất.

Ở cuối phim, mọi người nông dân, kể cả Ba Mạnh đều phải chấp nhận mất đất, rời xứ để định cư ở một nơi mới. Và mỗi người trong họ gói một niềm đau đáu với ruộng đồng, với mảnh đất ông bà tổ tiên họ an nghỉ.

TRÀ GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm