Kịch Sài Gòn: “Ma” vẫn còn dài dài...

Sau vở kịch Người vợ ma 2, cũng là sau hai năm liền kịch ma chiếm lĩnh sân khấu TP.HCM, bà bầu Hồng Vân tuyên bố: “Vở này nữa là hết ma rồi!”. Nhưng đến nay, kịch ma vẫn sống dai dẳng trên sân khấu kịch Sài Gòn.

Sau Người vợ ma 2, Kịch Phú Nhuận có tiếp kịch ma Sám hối. Vở kịch Giếng lạ diễn tại Nhà hát TP.HCM vào tết 2010 này cũng đầy chất ma. Hiện nay, Kịch Sài Gòn Phẳng đang quyết liệt đầu tư các nghệ sĩ tên tuổi… để khẳng định vị trí và giành khán giả bằng vở kịch ma Lầu hoang. Nhiều dự tính làm kịch ma khác cũng đang lăm le ra mắt…

Từ hiện tượng Người vợ ma

Tháng 10-2006, khán giả TP.HCM và giới sân khấu cả nước xôn xao khi lần đầu tiên sau năm 1975 xuất hiện vở kịch ma, hay thể loại kịch kinh dị. Hiệu ứng “ma” của vở khá tốt. Mỗi khi “ma” xuất hiện, khán giả sợ quá hét toáng lên. Không khí hồi hộp được duy trì suốt vở vì “ma” không biết từ đâu cứ bất ngờ xuất hiện dù tình tiết kịch khán giả có thể đoán trước. Dù biết là ma chỉ do người đóng giả, cái kết của vở kịch ma này vẫn khiến không ít khán giả sợ quíu khi một bầy “ma” từ nhiều hướng phải, trái, dưới đất trồi ra sân khấu, níu chân nhân vật và đi xuống gần sát người xem. Những suất đầu, do khán giả bị kích thích mạnh, nhà tổ chức phải treo bảng cấm phụ nữ có thai, người bị bệnh tim và trẻ em vào xem.

Kịch Sài Gòn: “Ma” vẫn còn dài dài... ảnh 1

Hai diễn viên trẻ Gia Bảo và Khương Ngọc (từ trái sang) trong kịch ma Lầu hoang. Ảnh: HÒA BÌNH

Hấp dẫn bởi không khí mới lạ, khán giả rủ nhau đi xem Người vợ ma, có cả khán giả tỉnh bao xe lên xem. Kịch Phú Nhuận liên tục “cháy” vé, phải tăng 3-4 suất những ngày cuối tuần và tạo nên lịch sử diễn được cả ngày thứ Hai - ngày chết - không thể bán vé của giới làm nghề biểu diễn. Khán giả háo hức xem vở đến mức bầu Hương Loan, chủ đoàn Sao Đêm, chuyên diễn ca nhạc ở các tỉnh, đã hợp tác với bầu Hồng Vân đưa vở đi diễn khắp các tỉnh, thành từ miền Trung, miền Tây...

Do vậy, sau Người vợ ma, Kịch Phú Nhuận nhanh chóng có thêm Quả tim máu, Người vợ ma 2, Sám hối… Kịch Sài Gòn có Quỷ, Hồn ma báo oán. Những vở kịch này tuy không “cháy” vé nhưng vẫn thường xuyên sáng đèn hằng tuần.

Ma nào cũng như nhau

Dù các vở kịch ma liên tục ra đời, song cho đến nay chưa có vở nào tạo được hiệu quả như Người vợ ma. Các thủ pháp nhát ma ở các vở đều na ná nhau. Trên sân khấu cứ có ma là có bóng trắng, xõa tóc, sử dụng ánh sáng tím để tạo ảo giác. Chiêu dội âm thanh mạnh, sử dụng âm nhạc có giai điệu tạo cảm giác bí hiểm được lặp đi lặp lại ở các vở đến quen thuộc. Chiêu cho ma xuất hiện bất ngờ cũng đã nhàm chán với người xem nên những vở về sau, cứ ma xuất hiện là khán giả cười thay vì sợ (!).

Vì không tìm ra cái mới, các vở kịch ma đã lạm dụng yếu tố máu me, hóa trang ghê rợn. Trong Hồn ma báo oán, nhân vật mang bụng bầu được gắn nguyên con dao vào đầu để diễn cảnh bị chết chém trông rất dã man. Hóa trang của cô vợ trong Người vợ ma 2 được làm kinh sợ với bộ mặt lở loét. Người xem còn bị mệt mỏi, vì yếu tố “ma” bị lạm dụng trong Giếng lạ. Vở dựng được phong vị đặc sắc đời sống miền quê phía Bắc song khán giả cứ bị thứ âm thanh dập mạnh từng chặp nhằm tạo cảm giác ma quái hành hạ. Câu chuyện kịch bị đẩy vào không khí bí hiểm, giả ma quỷ để gây kịch tính một cách gượng ép, không cần thiết khiến khán giả chán về sau…

Sân khấu cần sự tìm tòi mới lạ

Chạy theo thị hiếu, câu khách là biểu hiện có thật ở làng kịch Sài Gòn những năm gần đây, song kịch nói phía Nam vẫn có những vở diễn giá trị như Kỹ nghệ lấy Tây, Bàn tay của trời, Đôi bờ, Mẹ và người tình, Ngàn năm tình sử, Nỏ thần… Mới đây nhất có những vở kịch tình yêu mang đến sự thanh lọc tâm hồn đầy chất nhân văn ở sân khấu Hoàng Thái Thanh.

Riêng kịch ma cũng cần một cái nhìn sòng phẳng và khách quan hơn. Tâm lý thích xem tác phẩm có màu sắc kinh dị của khán giả là có thật, nó trải đều từ phim ảnh đến sân khấu, khắp cả thế giới chứ không riêng Việt Nam. Nội dung của những vở kịch ma ở sân khấu Sài Gòn đều cố gắng hướng đến một ý nghĩa xã hội, giá trị nhân văn nhất định, chẳng có gì đáng chê trách. Mặt khác, kịch ma đã cống hiến cho sân khấu một số sáng tạo trong dàn dựng và những tìm tòi mới lạ về kỹ thuật sân khấu đáng quý.

Sân khấu - nghệ thuật luôn cần và khán giả luôn hoan nghênh những tìm tòi, sáng tạo mới lạ. Ma cũng được, hết ma cũng được nhưng nếu có ma mới, phải có thủ pháp, chiêu thức tìm tòi thể hiện mới, đặc biệt những con ma ấy không thể chỉ tạo cảm giác ghê rợn, hấp dẫn đơn thuần mà phải gắn với giá trị nhân văn, đánh động tâm thức người xem hướng tới giá trị chân thiện mỹ. Không nhất thiết phải sợ kịch ma, chỉ sợ những kịch rỗng, không ma không Phật diễn ra trong sự hờ hững của công chúng.

Kịch ma tái xuất

Sau một thời gian phong trào dựng kịch ma yên ắng, ngày 3-4, Kịch Sài Gòn Phẳng đã công diễn vở kịch ma có tên Lầu hoang. Lần đầu tiên sân khấu này tham gia phong trào làm kịch ma.

Vở do Quốc Bảo, cựu chủ nhiệm Câu lạc bộ Kịch Thế Giới Trẻ, tiền thân sân khấu biểu diễn của Kịch Sài Gòn Phẳng tại Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, viết kịch bản và dàn dựng. Ngoài những diễn viên trẻ, vở có sự tham gia của hai nghệ sĩ gạo cội Bảo Quốc, Đàm Loan và sự góp mặt của diễn viên điện ảnh Việt kiều Huỳnh Anh Tuấn lần đầu đóng kịch. Vở diễn này sẽ có cả quan tài trên sân khấu để nhát ma khán giả.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm