Người “giữ hồn” đại ngàn

Ngay giữa đại ngàn Trường Sơn, tại thôn Ka Hẹp (xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), nghệ nhân Mai Sen đang ngày đêm nghiên cứu cách chơi, chế tác, phục chế nhạc cụ để giữ hồn cho bản làng.

Mang tiếng đàn Ta Lư trở lại

Từ cầu treo Đakrông, xuôi tuyến đường mòn Hồ Chí Minh chừng 50 km là đến thôn Ka Hẹp. Ngôi làng bé nhỏ nằm chênh vênh bên ngọn đồi, cô độc giữa đại ngàn. Người dân quanh bản đều biết nhà nghệ nhân Mai Sen. Họ còn gọi ông với cái tên trìu mến là “ông nhạc cụ”.

Bởi cuộc sống khó khăn, gần như khắp bản làng đã quên âm điệu dìu dặt mê hồn của tiếng đàn Ta Lư. Vậy là đêm đêm, nghệ nhân Mai Sen vẫn trăn trở về sự sống còn của nét văn hóa dân tộc độc đáo. Từ sự trăn trở đó, ông không chỉ tìm hiểu cách làm mà còn tìm cách phục chế nhiều nhạc cụ dân tộc. Từ đó đến nay, ông đã phục chế thành công hơn trăm nhạc cụ của người dân tộc địa bàn huyện Đakrông.

Không quản khó khăn, ông đã khăn gói đi tầm sư khắp nơi, học các làn điệu, cách chế tác, cách chơi các loại nhạc cụ... để truyền lại cho con em trong bản. Đường xa, nguy hiểm rình rập suốt các chuyến đi nhưng ông vẫn không nản lòng. Ông tâm niệm: “Mình phải nhanh chóng đưa cái hồn về cho bản làng. Nếu không, mai này lớp già ra đi, lớp trẻ sẽ không biết gì về nhạc cụ truyền thống”. Nhờ nhiệt huyết của ông, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều thanh niên thôn Ka Hẹp đã biết chơi và làm ra nhạc cụ của dân tộc mình.

Nghệ nhân Mai Sen cho biết: Làm một nhạc cụ mất khoảng năm ngày. Ông phải đích thân lên rừng chọn vật liệu sao cho phù hợp với từng loại nhạc cụ để âm thanh trong, ngân xa. Mới đây ông được Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đakrông giao trọng trách thành lập lớp học chế tạo và chơi nhạc cụ truyền thống của người Pa Kô, Vân Kiều tại làng Cát (xã Đakrông). Từ sự cố gắng hết mình của nghệ nhân Mai Sen, tiếng đàn Ta Lư, sáo, đàn Cà Don... đã trở lại trong ánh lửa bập bùng của đêm lễ hội mừng lúa mới...

“Bảo tàng sống” giữa đại ngàn

Về nguồn gốc cây đàn Ta Lư, nghệ nhân Mai Sen cho biết: Gần 2.000 năm trước, ở làng Pa Dua bên dòng sông Sêamăng (Lào) có một người đàn ông sống độc thân, nuôi ba đứa cháu gái. Không may, chồng của người cháu gái đầu sớm qua đời. Để giúp người cháu yêu quý của mình vơi đi nỗi đau mất chồng, người đàn ông nọ đã sáng tạo nên loại nhạc cụ này.

Trong căn nhà sàn chưa đầy 20 m2, ông trưng bày đủ loại nhạc cụ truyền thống của người Pa Kô, Vân Kiều. Tất cả là thành quả của nhiều đêm thức trắng bên những thớ gỗ, cành tre thô ráp, sần sùi. Ban đầu ông chỉ chế tác một vài nhạc cụ để thỏa mãn khát khao được chơi và nghe tiếng đàn réo rắt của dân tộc mình. Dần dần ông đã làm với số lượng lớn để trưng bày như một bảo tàng trong nhà.

Trong căn nhà nhỏ ấy, nơi khô ráo, sạch sẽ nhất là chỗ đặt những nhạc cụ dân tộc. Trên vách ván treo chín cái chiêng đã bạc màu thời gian, được ông lau chùi cẩn trọng mỗi ngày như báu vật của gia đình. Ông xem những loại nhạc cụ này như một phần cuộc sống. Đã có nhiều tay buôn đồ cổ tìm đến đặt mua những bộ chiêng hàng trăm năm tuổi và đều nhận được cái lắc đầu từ ông. Nghệ nhân tâm niệm: Mình trưng bày vì sở thích và niềm đam mê với âm nhạc truyền thống. Cái gì mình yêu thì bạc triệu cũng không bán”.

Ngoài bộ sưu tập chiêng hàng trăm tuổi, trong nhà nghệ nhân Mai Sen còn có cả trăm loại nhạc cụ khác. Sau những buổi lên rẫy, ông trở về nhà, mang đàn ra chơi, ngắm nghía với niềm đam mê bất tận. Tiếng đàn đã giúp ông trẻ hơn tuổi 65 của mình; tiếng đàn còn theo dân bản lên rẫy, giúp họ quên đi nỗi nhọc nhằn.

Ngoài bộ sưu tập nhạc cụ, nghệ nhân Mai Sen còn là một “bảo tàng sống” cho những ai muốn tìm hiểu cách chế tác, cách chơi những loại nhạc cụ truyền thống. Trong hơn 10 năm qua, đã có nhiều nhà nghiên cứu, cán bộ Phòng Văn hóa huyện Đakrông tìm đến ông để tìm hiểu các làn điệu dân ca của người Pa Kô, Vân Kiều. Giở cuốn sổ chi chít những dòng chữ ghi chép suốt 12 năm qua, ông cặn kẽ giải thích cho chúng tôi về cách chơi, hoàn cảnh sử dụng từng làn điệu. Ngoài ra, ông còn sáng tác nhiều làn điệu, góp phần làm sống lại từng làn điệu truyền thống của người Pa Kô, Vân Kiều. Bằng công sức của mình, ông đã được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tin tưởng giao trách nhiệm sưu tầm, nghiên cứu những loại nhạc cụ, những vật dụng truyền thống gắn liền với đời sống sinh hoạt của người vùng cao Pa Kô, Vân Kiều.

Chia tay nghệ nhân Mai Sen, trên đường về chúng tôi cứ trăn trở mãi trước tâm sự của anh Mai Xuân Trung (con trai nghệ nhân Mai Sen): “Bố già rồi mà vẫn chưa muốn nghỉ ngơi. Hằng ngày ông vẫn băng rừng vượt suối mang tiếng đàn đến với dân bản. Chỉ sợ mai này bố mất đi, tiếng đàn Ta Lư vì thế mà mai một dần!”.

Nghệ nhân Mai Sen biểu diễn đàn Ta Lư.

Nghệ nhân Mai Sen hài hước kể cho chúng tôi câu chuyện nhờ tiếng đàn mà ông lấy được vợ: “Trong một lễ hội ở thôn Ka Hẹp thời đó, có một người con gái cứ đắm đuối nhìn mình đàn nhưng khi mình nhìn lại thì cô quay đi e thẹn. Sau đó, bằng tiếng đàn, tiếng hát, dần dần mình đã chinh phục và đưa Hồ Thị Panh - người con gái đẹp nhất bản lúc ấy về làm vợ.”

NGUYỄN KHÁNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm