Nhà thờ, chùa vắng tín đồ và những lời cầu nguyện riêng tư

Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang có mặt ở TP.HCM có nơi đóng cửa, có nơi vẫn mở cửa để tín đồ đến cầu nguyện. Tuy nhiên, tất cả sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người đều tạm dừng từ cuối tháng 3 đến nay.

Nhà thờ Tân Định (quận 1) đóng cửa chính, chỉ mở cửa nhỏ để từng người được cầu nguyện riêng tư với thông báo dừng mọi hoạt động tập trung trên 20 người. Ảnh: QT

Tuần này người Công giáo đang trong tuần thánh. Ủy ban Phụng tự, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đã soạn lời nguyện chung cho đại dịch lần này để cầu nguyện vào thứ Sáu tuần thánh (10-4). Lời nguyện chung là niềm tin yêu, tín thác gửi đến đấng toàn năng, xin dịch bệnh mau chấm dứt.

Nhà thờ Huyện Sỹ (quận 1) cũng tương tự, chỉ mở cửa nhỏ để giáo dân cầu nguyện cách xa nhau. Ảnh: QT 

“Xin đoái nhìn đến nỗi thống khổ của gia đình nhân loại trong cơn đại dịch, xin cứu chuộc những người đã qua đời, chữa lành các bệnh nhân, an ủi những gia đình đang đau khổ, nâng đỡ các bác sĩ, nhân viên y tế và những anh chị em thiện nguyện và hơn cả là lời cầu xin cho mỗi người chúng con cảm nhận được sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa để biết luôn chân thành liên kết với nhau” - một phần lời nguyện chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Thánh đường Hồi giáo Ấn Độ Jamia Al-Musulman (quận 1) phục vụ người cầu nguyện nhưng hoàn toàn đóng cửa với du khách từ ngày 9-3. Ảnh: QT

Có lẽ kể từ khi Giáo hội Công giáo có mặt tại Việt Nam đến nay, chưa bao giờ tuần thánh lại không có thánh lễ, cầu nguyện chung dành cho cộng đoàn.

Tuy nhiên, như lời Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng, Tổng giáo phận Sài Gòn, viết trong thư gửi cộng đồng dân Chúa, “chúng ta cùng với người dân cả nước cần phải tranh thủ giai đoạn vàng này để khỏi bị vỡ trận trước dịch bệnh. Việc ngưng các sinh hoạt cộng đồng không chỉ là lo cho sự an toàn bản thân, mà còn là hành vi bác ái, đầy tinh thần trách nhiệm vì chúng ta thuộc về một cộng đồng dân tộc và một cộng đồng nhân loại”.

Đền thờ Bà Mariamman (quận 1) thông báo tạm đóng cửa đến hết ngày 16-4 để góp phần chống dịch COVID-19. Ảnh: QT

Không chỉ thế, trong những chỉ dẫn của mình, đức tổng Giuse cũng nhắc về việc khi không được tham dự thánh lễ và các buổi cầu nguyện chung tại nhà thờ, chính là lúc mỗi người ý thức hơn về bổn phận cầu nguyện, riêng tư hay trong gia đình, bằng cách suy gẫm cầu nguyện lời Chúa, lần hạt Mân Côi hằng ngày, tham dự thánh lễ trực tuyến…

Đền Sri Thenday Yutthapani (chùa Ấn Giáo - chùa Ông, quận 1) hoàn toàn đóng cửa với thông báo "Sorry Closed". Ảnh: QT

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấm túc tăng ni tại chùa, cơ sở tự viện. Trong những giờ thực hiện công phu tụng kinh thường nhật, với những tự viện đông chúng (hơn 20 vị), cần chia nhỏ chúng.

Miếu Bà Ngũ Hành (Miếu Bà Tao Đàn, quận 1) cũng thông báo đóng cửa và chúc mọi người thân tâm an lạc. Ảnh: QT

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các bài giảng, hướng dẫn nghi lễ, sinh hoạt Phật pháp bằng hình thức trực tuyến, tránh tập trung đông người.

Chùa Phước Hải (chùa Ngọc Hoàng, quận 1) đóng cửa và hoàn toàn vắng người dẫu là ngày 14 tháng 3 âm lịch (6-4). Ảnh: QT

Ban hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử trung ương cũng hướng dẫn các gia đình Phật tử đưa khẩu hiệu “Tôi ở nhà cầu an cho bạn”, khuyến khích Phật tử đọc tụng kinh Dược sư, các kinh cầu an, cầu nguyện bình an tại tư gia, gia đình mình.

Chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) mở cửa cho Phật tử đến thắp hương lễ Phật nhưng chiều tối 14 tháng 3 âm lịch (6-4) vẫn rất ít Phật tử đến lễ chùa. Ảnh: QT

Đại dịch do COVID-19 ở góc độ nào đó là cơ hội cho mọi người chậm lại trước cuộc sống như lao dốc, là một sự canh tân cho mỗi người và rộng ra là cho thế giới.

Chùa Xá Lợi (quận 3) đóng cửa, phía tượng đài Bồ Tát Quán Thế Âm lộ thiên vẫn được Phật tử ghé thắp hương nhưng mọi người đều rất cẩn trọng và đứng xa nhau. Ảnh: QT 

Chùa An Lạc (quận 1) vốn nằm trong con hẻm sầm uất nhất khu phố Tây Bùi  Viện - Đề Thám - Phạm Ngũ Lão cũng đóng cửa. Ảnh: QT

Sau đại dịch, mỗi người đều có thể bị hoặc phải thay đổi nhưng trên hết, khi thấu hiểu chính mình, gần gũi đức tin trong chiều kích riêng tư cũng là một cách chọn “sự sống khác” trong đời sống thật này. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm