Những kỷ vật bất tử trở về

Chiều 5-8, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), một nhóm cựu binh Úc từng tham chiến ở Việt Nam phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ tổ chức trao trả 13 di vật cho các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ. Đây là một trong các hoạt động của dự án “Những linh hồn phiêu bạt” do một nhóm học giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu xung đột vũ trang và xã hội của Úc (Đại học New South Wales - Học viện Quốc phòng Úc) thực hiện. Tất cả 12 bức thư được trao trả đều gửi đi nhưng chưa đến tay người nhận, đã lưu lạc từ New Zealand sang Úc và sau gần 50 năm mới đến tay người nhận hoặc lại trở về với chính người viết.

Như gặp lại người thân

Nhận lại bức thư của mình viết gửi cho người vợ là Lê Thị Hỷ (ở thôn Hữu Giang, xã Bình Giang, huyện Bình Khê, Bình Định), ông Đào Đắc Luyện (nay đã 91 tuổi) lặng người khi nhận ra nét chữ của chính mình cách đây 47 năm. Bức thư đề ngày 15-10-1966 được gửi đi từ hòm thư 44195 BS với những dòng yêu thương ngọt ngào và tràn đầy ý chí: “Thôi vợ chồng xa nhau đã trên 14 năm nay biết bao nhiêu nỗi thương nỗi nhớ, biết bao nhiêu chuyện muốn nói, kể ra đây sao cho hết được. Chỉ có điều phải tiêu diệt cho hết giặc Mỹ và lũ tay sai thì mới kể hết được. Lần nữa anh nhắc lại em cố cho thằng Huệ đi học và sau khi nhận được thư này biên thư cho anh và nói Huệ biên thư cho anh nhé!”. Ông Luyện xúc động: “Ngày ấy tôi đang chiến đấu ở ngã ba biên giới Đông Dương; thương vợ, nhớ con đến cháy lòng nhưng hoài bão lớn nhất là quyết tâm diệt cho hết bọn giặc. Khi cầm bút nắn nót viết từng dòng của lá thư này, tôi mong mỏi nó đến tay vợ mình để động viên, tiếp sức cho vợ tôi đang gánh chịu bao nhọc nhằn, gian khổ ở quê nhà. Bây giờ lá thư trở về thì bà ấy đã đi xa”.

Những kỷ vật bất tử trở về ảnh 1

TS Bob Hall trao bức tranh chân dung bà Phan Thị Diễn cho người thân của bà. Ảnh: TẤN LỘC

Còn bà Võ Thị Chẩn (73 tuổi, ngụ xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đã khụy xuống khi nhận lại bức thư của bà gửi cho người em Võ Thự. Lá thư này mãi mãi không đến được tay người nhận vì em bà đã nằm lại chiến trường. Còn cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Hưng (78 tuổi, ngụ xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn) bần thần đặt bức thư của ông gửi cho mẹ mình cách đây 45 năm lên ngực nói: “Bây giờ mẹ tôi đã 100 tuổi, tôi sẽ đọc bức thư cho mẹ nghe để bà hiểu hơn về tôi ngày ấy”.

Riêng ông Vũ Năng Luyện (ngụ 38C Trần Bình Trọng, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã òa khóc khi nhận lại bức chân dung truyền thần của mẹ ông - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Diễn. “Bức chân dung này do chính em ruột tôi là họa sĩ Lê Đình Sung vẽ mẹ tôi năm 1962 khi tôi đang ở ngoài Bắc, còn mẹ tôi phải chịu quá nhiều nỗi đau, mất mát lớn; đó là cha tôi và hai anh em của tôi lần lượt hy sinh. Hôm nay nhận lại bức chân dung này, tôi như được gặp lại mẹ tôi, cả em tôi - người đã vẽ bức chân dung này. Tôi nghĩ rằng cuộc hội ngộ ly kỳ mang dấu ấn tâm linh này có thể đã không xảy ra và bức tranh có thể đã thành tro bụi trong khói lửa chiến tranh nếu nó không được ông G.W. Dennis cất giữ” - ông Luyện nghẹn ngào chia sẻ. Sau khi đọc những dòng chữ ghi ở mặt sau bức chân dung, con trai ông Luyện thốt lên: “Đúng là bà nội con rồi!”.

Hành trình của những kỷ vật

Trước khi trao lại bức chân dung trên, ông Derrill de Heer, thành viên nhóm nghiên cứu của dự án “Những linh hồn phiêu bạt”, người từng tham gia hai cuộc chiến của Úc, kể: “Bức chân dung này do ông G.W. Dennis, lúc đó là cố vấn người Úc hoạt động tại Quảng Nam thu được trong một ngôi nhà đang cháy dở. Ông Dennis kể rằng lúc đó ngôi làng này vừa bị tấn công, không một bóng người. Khi nhìn vào một ngôi nhà đang cháy, ông thấy một khung ảnh bị vỡ với tấm ảnh có vài chữ ghi ở mặt sau. Dennis cho rằng đây là “tấm ảnh gia truyền” nên cất giữ trước khi nó bị lửa thiêu rụi. Mang bức chân dung trở về Úc, Dennis suy nghĩ rất nhiều và hy vọng có thể trả lại cho gia đình người trong ảnh nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Sau đó, ông quyết định gửi bức chân dung trên cho dự án “Những linh hồn phiêu bạt” để trả về với gia đình người phụ nữ trong ảnh”.

TS sử học Bob Hall, người từng tham chiến tại Việt Nam, hiện phụ trách nhóm nghiên cứu của dự án “Những linh hồn phiêu bạt”, bày tỏ: “Chiến tranh luôn khốc liệt, để lại biết bao nỗi đau. Chúng tôi đã từng tham chiến ở Việt Nam nên muốn góp phần xoa dịu nỗi đau. Chúng tôi đã nỗ lực tìm kiếm, liên lạc và đã thu thập rất nhiều di vật của những người lính Việt Nam. Những bức thư, kỷ vật trên đều hết sức nhân văn, tràn đầy tình cảm với người thân. Đặc biệt, khi viết, những người lính Việt Nam rất mong mỏi những bức thư đó đến được với người thân của mình nhưng chiến tranh đã ngăn cản khát khao đó. Chính vì thế, chúng tôi muốn đưa những bức thư, di vật đó trở về với chủ nhân của nó”.

Theo TS Bob Hall, dự án “Những linh hồn phiêu bạt” nhằm chuyển cho Việt Nam những thông tin chính thức mà Úc đang lưu giữ liên quan đến việc xác định danh tính, địa điểm chôn cất các chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trong những cuộc đụng độ với quân đội Úc và New Zealand trong chiến tranh chống Mỹ. Ngoài ra, dự án còn tiến hành trả lại thân nhân liệt sĩ các di vật cá nhân. Đến nay, dự án đã cung cấp vị trí chôn cất hơn 3.790 liệt sĩ, giúp tìm thấy vị trí chôn cất của 500 liệt sĩ với độ chính xác cao. Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8-2013, TS Bob Hall và các thành viên trong nhóm đã trực tiếp trao trả hơn 100 lá thư tay, hàng chục bức ký họa, tranh màu nước, trang thơ, giấy khen… của các chiến sĩ Việt Nam.

___________________________________________

Những bức thư, ký họa đó là những kỷ vật vô giá có ảnh hưởng lớn, có tác dụng giáo dục truyền thống đối với thế hệ thanh niên Việt Nam. Hầu hết những kỷ vật này là của các liệt sĩ, các vị gọi là của “Những linh hồn phiêu bạt”, còn chúng tôi gọi là “Những linh hồn bất tử” bởi đồng đội của chúng tôi vẫn sống mãi với chúng tôi hôm nay và các thế hệ mai sau.

Ông LÊ HỮU LỘC, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm