NSƯT Chí Trung: Tôi không "đánh đu" bằng tiền nhà nước!

Cùng chung xu hướng chuyển ngành theo học đạo diễn của nhiều diễn viên gạo cội. Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội chuẩn bị cho ra lò thêm một lứa đạo diễn “trẻ” mới. Bao nhiêu trong số họ sẽ trở thành những đạo diễn thực sự của sân khấu, hay chỉ là cách “làm mới những khuôn mặt cũ”, một cách nâng cấp thương hiệu?

Họ có là những nhân tố đủ tiềm năng nhất để tạo ra một thời đại mới, một sức sống mới cho sân khấu; với tiềm lực sẵn có, họ có thể vượt qua bóng những cây đại thụ Lê Hùng, Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền… để chạm được ánh mặt trời? 

Chúng tôi đã trao đổi vấn đề này với NSƯT Chí Trung, người cùng với NSND Lê Khanh, NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Anh Tú, NSND Lan Hương, Sỹ Tiến… đang trở thành những đạo diễn “trẻ” của sân khấu Hà Nội.

NSƯT Chí Trung.
NSƯT Chí Trung.

Hàng năm vẫn có rất nhiều đạo diễn trẻ ra đời, trong đó có cả những người vốn là diễn viên “già” như anh. Nhưng trên thực tế vẫn chưa có cái tên nào nổi lên cả, loanh quanh vẫn chỉ thấy Lê Hùng, Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền… Đâu là nguyên nhân?

- Đơn giản, họ (đạo diễn trẻ) không được tin tưởng. Họ có được ai giao việc đâu mà có cơ hội chứng tỏ mình? Trong cơ chế của ta hiện nay, khi các vở diễn đều được đầu tư bằng kinh phí Nhà nước, cơ hội sẽ được rót từ trên xuống. Những đạo diễn “chiếu trên” đương nhiên là lựa chọn số một.

Không ai phủ nhận tài năng của những vị “chiếu trên”, nhưng nếu sân khấu mãi chỉ có từng ấy cái tên thì không phải là một nền sân khấu mạnh?

- Thời thế tạo anh hùng, vào thời điểm này và trước đó một chút, NSND Phạm Thị Thành, NSND Lê Hùng, NSND Doãn Hoàng Giang là những điểm sáng nhất, là những người hùng của giai đoạn đó. Họ đã trở thành những cây đại thụ, việc bóng của họ lớn là chuyện đương nhiên.

Không có cơ hội nào cho những cây thế hệ sau khỏi bị cớm nắng sao?

- Điều đó phụ thuộc vào sự thay đổi cơ chế và hoàn cảnh. Ví dụ vừa rồi ở Nhà hát Cải lương Trung ương đúng đợt thi tài năng đạo diễn trẻ dưới 45 tuổi, cơ hội hiếm có rơi vào tay 2 đạo diễn trẻ: Hoàng Quỳnh Mai; Triệu Trung Kiên và họ đã tận dụng tốt cơ hội. Vở của họ xuất sắc, tên của họ được khẳng định. Chúng tôi chờ những cơ hội như thế, nhất là với những đạo diễn “trẻ chưa qua, già chưa tới” như chúng tôi!

Tại sao anh chọn một vở hài để làm bài tốt nghiệp? Có vẻ không giống “lệ thường” lắm?

- Đúng là không giống “thường lệ”. Thông thường các đạo diễn trẻ khi làm bài tốt nghiệp thường chọn những đề tài cổ điển, những vở diễn đã có tiếng vang và sức hút sẵn, vừa an toàn lại vừa “sang”, đẹp lòng thầy cô giáo. Nếu tôi chọn Vua Lia chẳng hạn, riêng chọn đề tài tôi đã có khả năng được 7 điểm. Nhưng tôi không muốn đi theo con đường đó, nó không đúng với mục tiêu và tâm huyết của tôi.

Tôi đã tìm được mục tiêu cho mình đi: nghệ thuật vị nhân sinh. Tôi không đánh đu với cái gọi là “nghệ thuật vị nghệ thuật” như nhiều nghệ sĩ đáng kính khác, tự mình làm, tự mình sướng, tự mình hoan hô mình… bằng tiền nhà nước. Tôi muốn làm cái gì, kể cả bài tốt nghiệp của tôi, cũng phải đến được với khán giả. Hàng làm ra không bán được thì nói chuyện thương hiệu hay cao cấp cũng chẳng để làm gì.

Một thực tế rõ ràng: sân khấu đang khó khăn, phải tìm cách kéo khán giả về với mình cái đã, cứ tự huyễn hoặc mình với những tác phẩm vĩ đại tầm cỡ trên cái nền sân khấu ọp ẹp bất cập thế này chẳng khác nào trang điểm hay mặc quần áo đẹp lên trên một thân thể gầy gò ốm yếu, chẳng biết ngất lịm vào lúc nào.

Chúng ta thường kêu than không có kịch bản hay, điều này do các nhà biên kịch kém hay chính các đạo diễn kém, không cảm nhận được kịch bản hay?

- Đây cũng là câu tôi tự hỏi mình từ lâu nay, tôi cũng ngạc nhiên tại sao trong hàng trăm kịch bản ra đời hàng năm, chỉ có một số vở có thể đưa lên sân khấu, còn trong những vở được dàn dựng đó cũng chỉ có vài vở hay. Lỗi do đâu: biên kịch hay đạo diễn?

Tôi đã phải tự kiểm chứng ở các nhà hát khác, và kết luận một điều: đúng là không có kịch bản hay, hay nói chính xác hơn, họ (các tác giả) chưa tìm được hướng đi đúng. Tôi nhận ra sai lầm thường thấy nhất và lớn nhất ở các nhà biên kịch hiện nay là: họ không nắm bắt được nhịp sống, hơi thở của thời đại.

Họ đặt các vấn đề, triết lý, câu chuyện sai thời điểm, thường lạc về trước một thời gian dài. Có thể vào mấy chục năm trước, câu chuyện, triết lý hay quan điểm của họ là đúng, thậm chí xuất sắc, nhưng vào thời điểm hiện tại lại không hấp dẫn nữa.

Một điều nữa các biên kịch phía bắc thường quá mải mê với những tư tưởng và hàm ý đao to búa lớn, mà để cho ra đời những tác phẩm lớn, kinh điển có giá trị vượt thời gian như các kiệt tác mà thực ra thì chưa xứng tầm. Sân khấu Miền Nam dễ tiếp cận khán giả bởi họ chủ yếu khai thác ý tưởng. Khi lên sàn tập, đạo diễn cùng diễn viên xúm nhau vào để thêm mắm thêm muối, thêm da thêm thịt. Cũng có những vở hay, nhưng cũng có những vở mà tác giả của chính vở kịch ấy đến ngồi xem rồi chẳng nhận thấy đâu là đứa con tinh thần của mình.

Những năm huy hoàng của sân khấu chúng ta có Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Nguyễn Đình Thi… Những tên tuổi tầm cỡ như vậy vẫn chưa xuất hiện trong thời điểm này. Hiện nay, tại trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đang có lớp dạy biên kịch với nhiều học viên xuất sắc. (Rất tiếc, các nhà biên kịch tương lai lại để ý nhiều đến truyền hình và phim truyện chứ không mặn mà lắm với kịch bản sân khấu). Chúng ta đành chờ vậy!

Cảm ơn anh!

HOÀNG HƯỜNG - (Theo VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm