Truyền hình thực tế tiếp tục chiếm sóng năm 2013

Không chỉ có sự tiếp nối của một loạt các chương trình trong năm qua như Giọng hát Việt, Vietnam Idol, Hợp ca tranh tài, Ngôi nhà âm nhạc, Vietnam’s Got Talent, Cặp đôi hoàn hảo... mà còn có các chương trình khác cũng đang và sắp ra mắt khán giả truyền hình như Gương mặt thân quen, X-Factor, The Voice Kids, Remix...

Tiền và danh tiếng đè bẹp âm nhạc

Đành rằng làm chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc cũng bởi “khán giả thích thì chúng tôi phải chiều thôi” - nói như bà Bích Liên - Giám đốc Công ty Sóng Vàng, đơn vị mua bản quyền chương trình Gương mặt thân quen. Nhưng dễ thấy đằng sau lý do chân chính và đẹp đẽ đó để truyền hình thực tế nghiễm nhiên thống lĩnh hầu hết giờ vàng trên các kênh truyền hình, còn là cả một mỏ vàng mà các nhà sản xuất và nhà đài đổ xô vào đào xới. Đó là ồ ạt khoản thu từ quảng cáo, tài trợ, tiền tin nhắn bình chọn của khán giả. Chẳng hạn, Giọng hát Việt có giá quảng cáo cao ngất, đến 180 triệu đồng cho một đoạn quảng cáo 30 giây. Có vẻ chương trình càng nhiều ồn ào dư luận thì các nhà tài trợ càng nhận ra tiềm năng quảng bá nhãn hàng, sản phẩm của họ. Cho dù ai tức bực, ai tẩy chay, ai tò mò xem tiếp, họ ung dung với tỉ lệ các mẩu quảng cáo dày đặc trước, sau và giữa chương trình.

Truyền hình thực tế tiếp tục chiếm sóng năm 2013 ảnh 1

Năm qua Giọng hát Việt là chương trình truyền hình thực tế gây ồn ào nhất bởi sự lê thê, thiếu chuyên nghiệp và tai tiếng.

Và có thể nói chưa có thời nào như hôm nay, bất kỳ một người vô danh có đủ dũng khí bước lên sân khấu truyền hình thực tế lại có nhiều cơ hội nổi tiếng chỉ sau một đêm đến thế. Bằng chứng là đã có một loạt những thí sinh của đêm trước, sáng hôm sau thức dậy đã thấy mình nổi tiếng như Uyên Linh, Võ Trọng Phúc, Bảo Anh, Bùi Anh Tuấn… Mãnh lực của sự nổi tiếng không chỉ đơn giản là hào quang danh vọng mà còn là tiền cũng theo đó đổ về. Đơn cử, Đồng Lan hay Tiêu Châu Như Quỳnh trước đây hát ở phòng trà cát sê chỉ vài trăm ngàn đồng thì sau cuộc thi The Voice cát sê tăng vọt đến chục triệu đồng. Đến ngay cả những người lao động nghệ thuật nghiêm túc cũng phải giật mình mà chạnh lòng, như thừa nhận của nhạc sĩ Quốc Trung: “Tôi lao tâm khổ tứ làm nhạc vài chục năm nay không ai biết thế mà nhận lời làm giám khảo cho Vietnam Idol, ngồi nói lảm nhảm mấy câu mua vui cho khán giả mà ra đường ai cũng biết mặt, chỉ trỏ”.

Tiền vào như nước, danh tiếng dễ dàng nổi đình nổi đám, trách sao truyền hình thực tế lại khiến nhiều người mất ăn mất ngủ vì nó và đem âm nhạc đi manh mún bán mua!

Khán giả coi chừng tiếp tục bị lừa dối

Bản quyền của các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc đã có một nền tảng quá vững chắc, về đến Việt Nam vẫn không làm sao đảm bảo được chất lượng một khi thiếu vắng bóng dáng của sự chuyên nghiệp, sáng tạo, hài hước và trí tuệ từ bản gốc. Cảm xúc của khán giả bị các nhà sản xuất lái đi theo hướng có lợi cho túi tiền của họ. Đầy rẫy chiêu trò tố cáo, bôi xấu, vạch mặt nhau cùng những lời tâng bốc thí sinh lên đến tận mây xanh của ban giám khảo trong khi tài năng của người dự thi còn chuệch choạc, mặc kệ sự bức xúc, bực tức của khán giả. Năm nay đơn vị mua bản quyền và sản xuất The Voice Kids (The Voice phiên bản dành cho thiếu nhi 9-15 tuổi), X-Factor (dành cho các nhóm nhạc), Good To Dance (nhảy), Remix, Remix (dành cho DJ)… lại chính là chủ nhân tổ chức nên Giọng hát Việt lộ tai tiếng giám khảo Phương Uyên dàn xếp kết quả trong năm qua và cũng là nơi mà ca sĩ Phương Thanh trút bức xúc về kết quả Bước nhảy hoàn vũ trước đó. Khán giả cảm thấy họ lại đang đứng trước nguy cơ phải chứng kiến những vụ lùm xùm từ những chương trình này.

Việc tiếp tục bùng nổ các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc cũng đồng nghĩa với việc huy động lực lượng lớn ca sĩ, nhạc sĩ hàng đầu của thị trường vào những cuộc chơi. Điều đó cũng ảnh hưởng đến việc họ sẽ thiếu vắng những sản phẩm âm nhạc mà thị trường mong đợi như trước đây.

Sau đợt thống trị các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc trong năm 2013 này, sau cơn bội thực của khán giả, như quy luật tất yếu, hy vọng các chương trình này sẽ nhường chỗ cho những Khám phá Việt Nam, Về trường, Bạn đường hợp ý… dù đang hiếm hoi số lượng nhưng tươi rói hơi thở cuộc sống và không có đất cho chiêu trò như hiện nay.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh tháo chạy khỏi ghế nóng

Truyền hình thực tế tiếp tục chiếm sóng năm 2013 ảnh 2

Từng là giám khảo một chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc, nhạc sĩ Tuấn Khanh kể: “Có một lần tôi chứng kiến một thí sinh có giọng hát rất hay nhưng hay hát những bài hát khó nghe nên điểm số cứ chập chờn. Vì vậy, tôi chủ động tìm gặp và đề nghị em đó hát một bài khác. Ngần ngại mãi rồi em đó cũng đồng ý. Bất ngờ là điểm số của em ngay sau bài hát đó cao vụt lên. Thế nhưng sau buổi thi, huấn luyện viên của em ấy gặp tôi đã quát lên như kẻ thù. Mãi sau này tôi mới biết rằng thí sinh đó bị buộc phải hát những bài không hợp với mình để không cạnh tranh với “gà” chính của ban tổ chức. Chuyện đó chỉ là một trong vô vàn những thủ thuật mà tôi đã gặp. Biết mình không thể làm gì khác hơn, tôi lựa chọn cách rời khỏi những nơi chốn ấy”.

***

Truyền hình thực tế tiếp tục chiếm sóng năm 2013 ảnh 3

Xét cho cùng khán giả mới là những người quyền năng nhất khi quyết định vận mệnh của bất kỳ chương trình truyền hình nào. Giữa vô vàn định dạng truyền hình thực tế như hiện nay, họ càng được thoải mái lựa chọn những chương trình chỉn chu, trau chuốt, tôn trọng khán giả. 

NGỌC QUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm