Trước đó, ba luật này đã được Quốc hội thông qua.
Theo ông Đăng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có nhiều điểm tiến bộ; đáp ứng yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.
Một số ngành, nghề được bổ sung trong luật đáng chú ý như: Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô; kinh doanh đóng mới, cải hoán tàu cá; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng… “Luật cũng hệ thống hóa, tách, hợp nhất một số ngành, nghề có cùng tính chất, mục tiêu và sửa đổi tên một số ngành, nghề để phản ánh chính xác, đầy đủ điều kiện kinh doanh nhằm tăng tính minh bạch, khả thi” - ông Đông nói.
Về Luật Đấu giá tài sản, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết việc niêm yết thông tin đấu giá tài sản được công khai rộng rãi, minh bạch; tổ chức đăng ký tham gia đấu giá đảm bảo tính chặt chẽ, thuận lợi. Ngoài ra, thủ tục đăng ký tham gia đấu giá được công khai, liên tục nhằm tránh tình trạng cản trở hoặc hạn chế người tham gia đấu giá. Luật cũng quy định rõ ràng, rành mạch hơn hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp, bỏ phiếu gián tiếp; bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến, qua đó góp phần hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá.
Ông Bùi Thanh Hà, Phó ban Tôn giáo Chính phủ, cho rằng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều điểm mới so với quy định cũ, thể hiện đầy đủ quyền của con người về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đáng chú ý, chủ thể của luật đã được điều chỉnh và nay mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thay vì theo Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo chủ thể là công dân. |