Một ngày tháng 10-2003, một con nợ tự nguyện đến ở tại nhà bà Hồ Thị Hạc, ngụ phường Ba Ngòi, thị xã Cam Ranh (Khánh Hòa) để giải quyết khoản nợ 19 triệu đồng. Sau khi người nhà con nợ trình báo, công an phường đến lập biên bản bắt bà Hạc, chuyển lên công an thị xã.
Đẩy gánh nặng cho nơi khác
Sau đó bà Hạc bị khởi tố, truy tố về tội bắt giữ người trái pháp luật. Tháng 4-2004, tại phiên sơ thẩm lần đầu của TAND thị xã Cam Ranh, bất ngờ đại diện VKS đề nghị tòa cho rút hồ sơ để điều tra bổ sung rồi đình chỉ điều tra đối với bà Hạc.
Tháng 12-2004, viện trưởng VKS tỉnh Khánh Hòa hủy bỏ quyết định đình chỉ, yêu cầu VKS thị xã phục hồi điều tra. Xử sơ thẩm lại, TAND thị xã đã trả hồ sơ điều tra bổ sung vì thiếu chứng cứ buộc tội. Dù không thu thập được gì khác nhưng VKS thị xã vẫn tiếp tục ra cáo trạng truy tố bà Hạc.
Tháng 4-2005, TAND thị xã Cam Ranh mở phiên sơ thẩm lần ba, tuyên bố bà Hạc vô tội. VKS thị xã kháng nghị nên tháng 3-2006, TAND tỉnh Khánh Hòa đã hủy án để điều tra, xét xử lại. Giữa năm 2006, Công an thị xã Cam Ranh ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bà Hạc vì không đủ căn cứ kết tội.
Bà Hạc yêu cầu xin lỗi, bồi thường oan. Dù theo Nghị quyết 388, trách nhiệm xin lỗi, bồi thường oan thuộc về VKS thị xã Cam Ranh (cơ quan làm oan sau cùng) nhưng cơ quan này vẫn thoái thác, hướng dẫn bà đến Công an thị xã. Dĩ nhiên, công an có thông báo khẳng định trách nhiệm bồi thường oan thuộc VKS thị xã.
Cứ thế, hai cơ quan này đẩy qua đá lại trách nhiệm cho nhau. Tháng 4-2008, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có công văn đề nghị viện trưởng VKS tỉnh Khánh Hòa giải quyết khiếu nại của bà Hạc và thông báo lại kết quả cũng không ăn thua.
Đòi lật lại vụ án để trì hoãn
Dù việc làm oan đã được chính VKS TP Cần Thơ thừa nhận nhưng khi bị bà Trần Thị Á (ngụ huyện Thốt Nốt) đòi bồi thường thì cơ quan này lại trả lời là phải chờ điều tra lại xem có… oan thật hay không.
Theo hồ sơ, giữa năm 2005, Nguyễn Văn Luốt và Trần Văn Thuận bị bắt vì thuốc chết 35 tấn cá tra của người khác. Sau đó Luốt và Thuận khai bà Á thuê họ làm trong khi bà này phủ nhận. Tháng 2-2006, bà Á bị khởi tố về tội hủy hoại tài sản với vai trò chủ mưu nhưng một năm sau, VKS TP Cần Thơ phải đình chỉ điều tra đối với bà vì chưa đủ cơ sở kết tội. Trong cả hai phiên xử Luốt và Thuận, bà Á chỉ tham gia với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Vậy mà tháng 7-2008, khi bà Á yêu cầu VKS TP Cần Thơ xin lỗi công khai và bồi thường oan hơn 1,5 tỉ đồng thì cơ quan này không chịu. Một lần, VKS mời bà đến nhưng thay vì thương lượng bồi thường thì cơ quan này lại bảo: “Hiện Luốt và Thuận khai báo lại rằng chính bà là chủ mưu nên phải chờ khi nào công an làm rõ, nếu không đúng thì VKS mới bồi thường” (!?).
Ở đây, giả sử có chuyện Luốt và Thuận khai lại rằng bà Á là chủ mưu thì cũng chỉ có viện trưởng VKSND Tối cao hoặc chánh án TAND Tối cao mới có quyền kháng nghị giám đốc thẩm để lật lại vụ án. Mà đến nay cả hai bản án trên đều không hề bị kháng nghị nên việc VKS TP Cần Thơ trì hoãn bồi thường là không đúng pháp luật, cố tình né trách nhiệm.
Làm mất hồ sơ, đổ… hết thời hiệu Tháng 3-1996, VKS huyện Châu Thành cũ (nay là quận Cái Răng, TP Cần Thơ) phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Triều về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai của công an huyện. Sau đó, TAND huyện trả hồ sơ điều tra bổ sung, đồng thời cho ông Triều tại ngoại. Rồi từ đó, ông Triều bị “bỏ quên” dù đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan tố tụng địa phương và cả Bộ Công an yêu cầu giải quyết dứt điểm. Tháng 1-2007, Công an quận Cái Răng có văn bản báo cáo Công an TP Cần Thơ là hồ sơ vụ án đã bị thất lạc khi chuyển cho UBND huyện. Cuối năm 2007, công an quận ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Triều. Ông yêu cầu VKS quận này phải xin lỗi công khai và bồi thường oan hơn 200 triệu đồng. Tháng 7-2008, VKS quận từ chối bồi thường oan với lý do công an đình chỉ điều tra do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không phải do ông Triều không phạm tội. |
THANH TÙNG