Vay được tiền ngân hàng còn khó hơn cả tìm đối tác

Sáng 17-12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo công bố báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ - Góc nhìn từ doanh nghiệp.

Báo cáo tại hội thảo cho thấy tình trạng thiếu vốn, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vẫn là khó khăn muôn thuở của các doanh nghiệp Việt Nam, khi mà phần lớn doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Khó khăn về tiếp cận tín dụng cao hơn cả các khó khăn về tìm kiếm lao động phù hợp, tìm kiếm đối tác, nhà cung cấp, cao hơn khó khăn về biến động thị trường, biến động chính sách pháp luật...

Hội thảo công bố báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ - Góc nhìn từ doanh nghiệp. Ảnh: AH


Đánh giá cụ thể hơn về tình hình tiếp cận tín dụng, 86% doanh nghiệp cho rằng khó khăn lớn nhất là việc buộc phải có tài sản thế chấp thì mới có thể vay vốn. Tiếp theo 63% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn về mức lãi suất và điều kiện cho vay. Đáng chú ý vẫn có 39% doanh nghiệp cho biết việc “bồi dưỡng” cho cán bộ ngân hàng để vay được vốn là phổ biến.

Cùng với khó khăn về tiếp cận vốn là khó khăn về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, dù quy định về thời gian để làm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng tương đối rõ ràng nhưng đều là tính từ lúc tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.

Tuy nhiên, để có thể được tiếp nhận hồ sơ một cách hợp lệ, các doanh nghiệp vẫn phải đi lại để nộp hồ sơ rất nhiều lần, trung bình từ ba lần cho mỗi thủ tục, đối với các công trình có quy mô lớn thì thời gian kéo dài hơn nhiều.

Đáng lưu ý, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết đã có 17 bộ có Cổng dịch vụ công trực tuyến, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông có tỉ lệ hồ sơ trực tuyến cao nhất. Nhưng một số bộ khác như Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp không có hồ sơ trực tuyến nào, Bộ Ngoại giao chỉ có một hồ sơ, Bộ Y tế hai hồ sơ.

Đánh giá chung, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng Nghị quyết 02 và Nghị quyết 35 có những mục tiêu cụ thể giúp cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam có những cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, có sự cải cách không đồng đều giữa các lĩnh vực, địa phương.

"Phải chăng người dân, địa phương và doanh nghiệp thì sốt ruột nhưng thể chế còn đang đủng đỉnh?" - ông Lộc đặt câu hỏi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm