Vay nợ rồi “bùng nợ” ngân hàng có vi phạm pháp luật?

(PLO)- Vay nợ rồi "bùng nợ" ngân hàng có thể sẽ bị xử phạt về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mức phạt cao nhất lên đến 20 năm tù...

Năm 2019, chị tôi có vay nợ của một ngân hàng và đã trả được nửa số tiền đã vay, số còn lại không có khả năng chi trả. Sau đó, chị tôi nghe lời bạn bè xúi giục chỉ cần đổi hết số điện thoại là được, bởi người đó đã bùng nợ thành công. Người này còn cho biết trên mạng cũng có nhiều người bùng nợ như vậy.

Xin hỏi, vay nợ rồi "bùng nợ" có vi phạm pháp luật không, nếu có sẽ bị xử phạt thế nào?

Bạn đọc Mỹ Hạnh (TP.HCM)

Vay nợ rồi "bùng nợ" có thể sẽ bị xử phạt theo quy định. Ảnh minh hoạ

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời: Theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận của các bên, bên vay giao tài sản cho bên cho vay và khi đến thời hạn trả nợ thì bên vay có nghĩa vụ hoàn trả cho bên vay đúng số tiền đã nhận cùng với lãi suất (nếu có).

Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên cho vay, bên vay có nghĩa vụ trả đủ tiền khi đến hạn, trong trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì bên vay có nghĩa vụ phải trả đủ lãi.

Trường hợp đến hạn trả nợ mà bên vay không trả nợ được thì hai bên có thể thỏa thuận, về việc gia hạn khoản vay cũng như là số tiền chậm trả, hay lãi suất quá hạn.

Như vậy, người đi vay tiền có nghĩa vụ phải trả nợ đúng hạn cho bên cho vay khi đến thời hạn do các bên thỏa thuận trong hợp đồng vay. Quan hệ vay tiền có thể được xác lập bằng cách lập thành văn bản, xác lập bằng lời nói hoặc bằng hành vi đều được.

Theo đó, người không có khả năng chi trả mà bùng nợ có thể sẽ bị xử phạt về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Mức phạt đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) cao nhất lên đến 20 năm tù.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản tùy vào mức độ vi phạm.

Ngoài ra, người cố tình vay tiền để bùng nợ có thể bị xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về mức phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017), mức phạt cao nhất lên đến tù chung thân.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Không những vậy, đối với những người kích động, xúi giục, chỉ cách lừa đảo hoặc cung cấp những điều kiện cần thiết cho người thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên, có thể sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới