VCCI: Dự thảo sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng làm khó doanh nghiệp nội

(PLO)- Theo VCCI, dự thảo sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội với doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ ra thị trường thế giới.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi).

Sửa thuế giá trị gia tăng làm khó lĩnh vực dịch vụ

Điều 9.1 dự thảo sửa đổi theo hướng thu hẹp diện hưởng thuế suất 0% với dịch vụ vận tải quốc tế, cho thuê phương tiện vận tải ngoài lãnh thổ Việt Nam và một số dịch vụ liên quan.

Như vậy, hầu hết các lĩnh vực dịch vụ sẽ phải chịu nghĩa vụ thuế cao hơn, khoảng 10% hoặc 5% hoặc không được khấu trừ đầu vào.

VCCI cho rằng sửa đổi này sẽ làm tăng chi phí thuế của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ cho khách hàng ngoài biên giới Việt Nam.

Ảnh hưởng nặng nhất là các dịch vụ kinh doanh trên môi trường internet, sản xuất nội dung số, sản xuất các ứng dụng, trò chơi điện tử, dịch vụ nghe nhìn, giải trí, dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ tư vấn các loại, dịch vụ thiết kế, dịch vụ máy tính, dịch vụ thông tin…

Đây là những lĩnh vực mà trên thị trường toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt với đối thủ nước ngoài. Nay nếu không được hưởng mức thuế suất VAT 0% thì doanh nghiệp nội sẽ bị tăng chi phí.

Đối với lĩnh vực phần mềm, sản phẩm phần mềm xuất khẩu theo dự thảo sẽ chuyển từ diện 0% sang diện không chịu thuế. Tức là các doanh nghiệp không còn được khấu trừ đầu vào, khiến chi phí sản xuất sẽ tăng 2-3%.

Nhìn một cách tổng thể, các lĩnh vực dịch vụ này doanh nghiệp nội sẽ bị giảm sức cạnh tranh, có nguy cơ mất khách hàng, mất thị phần, khó phát triển. Từ đó mất đi việc làm trong nước và giảm nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia.

VCCI đề nghị sửa đổi quy định về thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu theo hướng cho phép các dịch vụ này được hưởng thuế suất 0%. Ảnh minh họa

Cán bộ thuế không phân biệt được dịch vụ cho thị trường nội và ngoại

Ở khía cạnh khác, Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành cho phép dịch vụ xuất khẩu cho thị trường nước ngoài được hưởng thuế suất 0%. Song VCCI cho biết đã nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp là vẫn thường bị áp mức thuế 10%.

Lý do là cán bộ thuế không phân biệt được đâu là dịch vụ tiêu dùng trong nước, đâu là dịch vụ được xuất khẩu cho thị trường bên ngoài.

Các doanh nghiệp này đã cố gắng thuyết minh, cung cấp cho cơ quan thuế rất nhiều thông tin như dữ liệu của các nền tảng trung gian (Google, Apple…), IP của người dùng, dữ liệu thanh toán ngân hàng, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản của khách hàng, hợp đồng, email trao đổi… nhưng không thuyết phục được thuế vụ.

Thậm chí, có doanh nghiệp đã buộc phải tách sản phẩm của mình thành hai phiên bản để cung cấp cho hai thị trường khác nhau nhưng vẫn không được cơ quan thuế chấp nhận.

Trước tình trạng đó, không ít cá nhân, doanh nghiệp dù nhân lực, công nghệ là trong nước nhưng đã thành lập thêm pháp nhân tại nước ngoài ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho khách hàng trên thế giới. Qua đó, doanh thu chỉ nằm ở nước ngoài, không về nước nhưng lại giảm được nghĩa vụ thuế phải nộp.

Hiện nay, OECD đã có hướng dẫn về việc xác định nơi tiêu dùng dịch vụ trên môi trường số và được nhiều quốc gia áp dụng. Việt Nam cũng đã tiếp thu khuyến nghị này của OECD khi thu thuế dịch vụ nhập khẩu, tức là áp dụng với doanh nghiệp nước ngoài.

Vậy việc pháp luật hiện hành không cho doanh nghiệp trong nước sử dụng cơ chế đó để hưởng thuế suất 0% khi cung cấp dịch vụ xuất khẩu là bất hợp lý.

Từ những lý do trên, VCCI đề nghị sửa đổi quy định về thuế VAT đối với dịch vụ xuất khẩu theo hướng vẫn cho phép các dịch vụ này được hưởng thuế suất 0%. Đồng thời, quy định cụ thể về việc xác định doanh thu đến từ nước ngoài theo phương pháp tương tự như khi đánh thuế dịch vụ nhập khẩu.

Doanh nghiệp chế xuất bị đánh thuế VAT hai lần

Cũng theo VCCI, một số doanh nghiệp chế xuất phản ánh tình trạng họ đang phải nộp thuế VAT hai lần cho cùng một lượng hàng hóa bán vào nội địa.

Theo đó, khi doanh nghiệp trong khu chế xuất bán hàng hóa vào nội địa sẽ phải mở tờ khai nhập khẩu. Họ hoặc người nhập khẩu phải nộp thuế VAT theo tờ khai này cho cơ quan hải quan.

Đến kỳ kê khai thuế VAT, cơ quan thuế tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp kê khai và nộp thuế một lần nữa cho doanh thu từ lượng hàng hóa này.

Để khắc phục, VCCI đề nghị quy định rõ theo hướng doanh nghiệp chế xuất khi bán hàng hóa vào nội địa sẽ chỉ phải nộp thuế giá trị gia tăng một lần khi làm thủ tục hải quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới