Trước hôm diễn ra giải marathon TP.HCM vào ngày 13-1 vừa qua, ban tổ chức đã có một cuộc gặp mặt với những người khuyết tật. Sáng sớm hôm đó, Thảo và cha đã lặn lội từ Củ Chi (TP.HCM) đến hội trường ở quận 7 để đăng ký tham gia chạy thi.
"Thảo đẹp mà, Thảo có quyền"
Khi gặp Thảo, tôi hỏi: “Thảo có chắc sẽ chạy được không? 5 km lận đó”. Thảo cười rất tươi: “Chắc mình về đích cuối cùng quá. Nhưng chạy được tới đích là mình chiến thắng bản thân mình rồi”. Với chiều cao 65 cm, nặng hơn 30 kg, nhìn Thảo thật bé nhỏ khi ngồi lọt thỏm trong chiếc xe lăn. Ấy vậy mà chỉ vì… sợ mập, sợ… bớt đẹp nên cô kể rằng mình cũng phải nhín nhín ăn vặt.
Bị đa khuyết tật và mắc hội chứng xương thủy tinh bẩm sinh, cách đây hai năm Thảo không may gặp tai nạn xe máy dẫn đến gãy cánh tay trái. Với cơ thể yếu ớt trên chiếc xe lăn, chỉ còn mỗi đôi tay linh hoạt, Thảo đã cọc cạch học vi tính, tập tành viết bài gửi cho một số tạp chí. Không dừng ở đó, cô cũng mở được một thư viện cộng đồng mang tên “Thư viện cô Ba” ở ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi để các em nhỏ có nơi đọc sách miễn phí.
Thảo còn cho biết khi liên lạc với bạn bè cô thường dùng nickname nghe rất dễ thương là “Thảo baby”. Tôi đùa: “Thảo điệu khiếp!”. Cô đáp trả: “Thảo đẹp mà, Thảo có quyền” rồi cười tít mắt. Mặc dù yếu ớt nhưng Thảo cũng rất cố gắng tự làm những việc có thể như đi lại bằng xe lăn, sắp xếp sách báo, làm việc nhà. Cô bảo rằng mình rất muốn được làm việc và gặp gỡ, trò chuyện với mọi người. Bàn tay bé xíu của cô gái xương thủy tinh đeo nhẫn, vòng leng keng đã “tố cáo” cô là người rất điệu đà và yêu đời.
“Trước khi bị tai nạn Thảo cũng dự định hùn hạp với người thân, bạn bè mở một quán cà phê nho nhỏ ở quận 12. Khi đã tìm được mặt bằng, mọi thứ đang tiến triển tốt thì Thảo gặp tai nạn. Giờ Thảo khỏe lại rồi, sẽ phải sớm tính tiếp chuyện làm ăn” - cô quả quyết.
Cô Ba Huỳnh Thanh Thảo (bìa phải) cùng cha trước cuộc thi. Ảnh: HỒNG MINH
Truyền cảm hứng
“Kình ngư không chân” Nguyễn Hồng Lợi, chủ nhân chiếc huy chương đồng bơi lội tại Asian Para Games 26, cũng đã có cuộc giao lưu với mọi người trước giải marathon TP.HCM.
Năm 17 tuổi, trước ngưỡng cửa trở thành người trưởng thành anh từng suy nghĩ: “Mình phải làm được gì đó khác biệt. Mình không được như người ta nên mình phải cố gắng”. Vậy là anh đến hồ bơi Lam Sơn để học bơi. Dù chỉ có đôi tay lành lặn nhưng chỉ năm ngày học anh đã bơi được. Sau đó anh may mắn gặp một vận động viên, người này vì yêu quý anh nên đã huấn luyện anh môn bơi lội. Anh luyện tập miệt mài và trở thành vận động viên dù không có đôi chân.
65 người khuyết tật tham gia chạy bộ tại giải marathon TP.HCM 2019 trong tổng số 87 người (22 người tình nguyện tham gia hỗ trợ). |
Khi được hỏi khó khăn lớn nhất trong cuộc sống là gì, anh suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Đến giờ tôi vẫn không thấy mình gặp khó khăn gì cả. Lúc nhỏ thì ở với gia đình, được yêu thương. Sau đó vào làng Hòa Bình, BV Từ Dũ, tôi cũng được yêu thương. Cuộc sống tôi đến giờ vẫn tốt. Mẹ nuôi của tôi từng hỏi sao lúc nào con cũng vui vẻ, hạnh phúc quá vậy”.
Anh Lợi từng tham gia một số giải thi đấu thể thao phối hợp với người không khuyết tật. Phần bơi lội được tổ chức ở biển, nơi có những ngọn sóng khá cao mà anh “chỉ có một khúc” nhưng vẫn hoàn thành phần thi tốt đẹp và an toàn. “Hãy yêu thể thao. Thể thao là cuộc sống” - anh vui vẻ nói.
Mà quả thật thể thao và tình yêu cuộc sống đã mang đến cho anh những nguồn năng lượng tràn đầy. Anh đã và đang huấn luyện bơi lội cho một số bạn trẻ khuyết tật như mình. Đồng thời được một nhà thiết kế nổi tiếng dạy vẽ, thiết kế áo dài. Khi được hỏi anh đang mơ ước điều gì, anh chia sẻ: “Ước mơ của tôi là sẽ lập gia đình và mở một tiệm áo dài”.
Vận động viên nổi tiếng Không nổi tiếng vì đạt thành tích thể thao nhưng vận động viên Nguyễn Đức khá nổi tiếng vì anh và người anh song sinh Nguyễn Việt chính là cặp song sinh Việt-Đức nổi tiếng nhất Việt Nam. Anh được tách khỏi người anh song sinh với một chân và sức khỏe không được tốt như người bình thường khác.
Nguyễn Đức hiện là hội trưởng Hội từ thiện Vì một thế giới đẹp tươi. Anh cũng là giám đốc một công ty truyền thông và chủ của một nhà hàng. Anh thực sự là một vận động viên tuyệt vời, là người truyền cảm hứng cho nhiều người khuyết tật khác. |