Về Cát Tiên thăm di tích ngàn năm

(PLO)- Quần thể di tích Cát Tiên có quy mô lớn, mang đặc điểm của một quốc gia cổ, có sự phát triển khá sớm và có quan hệ rộng rãi với nhiều nền văn hóa khác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 1985, theo chân của đoàn người đi xây dựng vùng kinh tế mới, các cán bộ Bảo tàng Lâm Đồng đã đặt chân đến Cát Tiên.

Nơi có bộ Linga-Yony lớn nhất Đông Nam Á

Vùng đất còn hoang sơ này khiến nhiều người thực sự ngỡ ngàng, nhất là khi tìm thấy những công trình kiến trúc cổ có quy mô lớn bị vùi lấp dưới tán cây rừng và phù sa của sông Đồng Nai.

Cát tiên
Di tích khảo cổ Cát Tiên nằm ở tả ngạn sông Đồng Nai. Ảnh: VÕ TÙNG

Từ đó, Bảo tàng Lâm Đồng đã kết hợp với Trung tâm nghiên cứu Khảo cổ học thuộc Viện KHXH TP.HCM tổ chức cuộc điều tra, thám sát trên một vệt dài dọc theo tả ngạn sông Đồng Nai từ Buôn Goh đến xã Quảng Ngãi.

Trong nhiều phát hiện về các di tích có giá trị cao, thì việc tìm thấy bộ Linga-Yony lớn đã khẳng định rõ nét dấu tích của người theo Ấn Độ giáo ở vùng đất này.

Bộ Linga-Yony có kích thước Linga cao 2.10m, đường kính 0,7m và Yony cạnh dài 2.26m được tìm thấy ở Phế tích kiến trúc số 1A trong quần thể di tích Cát Tiên.

Cát tiên-1
Bộ Linga-Yony trong khu di tích khảo cổ Cát Tiên. Ảnh: NVT

Phế tích kiến trúc số 1A tọa lạc trên một quả đồi cao khoảng 50m so với mặt đất canh tác, đây là một phế tích kiến trúc đồ sộ nằm ở địa đầu xã Quảng Ngãi, tả ngạn sông Đồng Nai. Di tích được phát hiện năm 1985 và được tiến hành khai quật năm 1996.

Phế tích kiến trúc số 1A có bình đồ kiến trúc hình vuông (12m x 12m). Cửa chính quay về hướng Đông, theo nhận định đây là một đền tháp chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo.

Sau khi khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật phong phú gồm nhiều loại hình, chất liệu, kích cỡ khác nhau. Các hiện vật này nằm trong lòng tháp ở độ sâu 3,6m gồm: tượng Ganesa bằng đá, bộ Linga-Yony, hộp bạc, nhiều mảnh vàng khắc tạc các vị thần như Sihva, Vishnu, Brama, India…cùng các con vật như ốc, bò, ngựa và các linh vật như giáo, lao, bánh xe luân hồi, hoa sen, văn tự Sankrit. Tất cả hiện vật đều mang dấu ấn của Balamôn giáo.

Bộ Linga - Yony đã thạch anh DT số 2A (2).jpg
Bộ Linga - Yony đá thạch anh được tìm thấy ở di tích khảo cổ Cát Tiên. Ảnh: VT

Theo ông Nguyễn Việt Tuấn - Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, đây là di tích được xây dựng ở vị trí cao nhất, đẹp nhất của thung lũng xã Quảng Ngãi. Kiến trúc được xây trên vị trí cao thoáng, bao quát cả vùng đất.

Từ những yếu tố trên, có thể nhận thấy phế tích kiến trúc số 1A trên địa bàn xã Quảng Ngãi là một di tích được coi là quan trọng nhất trong tổng thể các di tích ở Cát Tiên. Đây có thể là đền thờ chính của toàn bộ di tích này, hay còn được coi là núi chủ của vùng đất.

Các nhà khảo cổ đoán định phế tích kiến trúc số 1A có niên đại khoảng thế kỷ VII-X.

Dấu tích của một nền văn hóa đặc sắc

Ngày 3-12-2014, Di tích khảo cổ Cát Tiên đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Di tích khảo cổ Cát Tiên là một quần thể các phế tích kiến trúc bằng gạch có quy mô rộng lớn. Toàn bộ di tích này trải dài hơn 15km dọc theo sông Đồng Nai từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ và Gia Viễn, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.

Từ năm 1994 đến năm 2006 các nhà khảo cổ đã khai quật và tìm thấy nhiều phế tích kiến trúc đền tháp, mộ tháp, nhà dài, hệ thống máng nước, đường đá cổ.

Tương bò Nandin DT số 4.JPG
Tượng bò Nandin được tìm thấy trong quá trình khai quật. Ảnh: VT

Các kiến trúc ở đây có quy mô lớn nhỏ khác nhau tùy vào công năng, có bình đồ vuông hoặc hình chữ nhật, cửa chính quay về hướng Đông.

Từ lòng đất, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hơn 1000 hiện vật được chế tác từ các chất liệu như vàng, bạc, đồng, đá quý, gốm.

Các hiện vật này rất phong phú về loại hình như: ngẫu tượng Linga - Yoni, tượng thần Ganesa, thần Uma, nhẫn, hạt chuỗi, các lá vàng dập nổi hình của các vị thần, các linh vật Balamon giáo.

Các nhà chuyên môn đánh giá kiến trúc, hiện vật tìm được đã khẳng định đây là một thánh địa tôn giáo chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo và là dấu tích của một nền văn hóa đặc sắc trong quá khứ.

Do có sự phân bố đậm đặc, quần thể di tích Cát Tiên, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng được các nhà khoa học đánh giá có giá trị khảo cổ ngang ngửa với các di tích cùng loại như Mỹ Sơn, Óc Eo, (Việt Nam), Champasack (Lào), Angcovat, Angco thom (Campuchia).

di-tich-khao-co-cat-tien-9.jpeg
Du khách tham quan di tích khảo cổ Cát Tiên. Ảnh: VÕ TÙNG

Với những người đam mê khảo cổ, di tích khảo cổ Cát Tiên là nơi lưu giữ những bằng chứng của một nền văn hóa đặc sắc cách nay hơn 1.000 năm lịch sử.

Di tích khảo cổ Cát Tiên được mệnh danh là “Thánh địa Cát Tiên”, nằm ở khoảng giữa của tỉnh lộ 721 nối quốc lộ 20 từ ngã ba Madagui, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng với quốc lộ 14, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Trung tâm di tích nằm sát với vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên, cách TP HCM 180 km và cách TP Đà Lạt khoảng 190 km.

Được xem là nơi có vị trí khá đắc địa trên bản đồ du lịch, Cát Tiên đang thu hút nhiều tour du lịch từ TP.HCM và các tỉnh thành khác về tham quan, học tập, nghiên cứu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm