Về Long An thưởng thức hương vị bánh tét Vàm Thủ trong ngày Tết

(PLO)- Bánh tét Vàm Thủ được lòng thực khách mấy chục năm nay bởi độ dẻo của nếp, thơm ngon của nhân bánh cùng với sự khéo tay của người gói.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nếu có dịp đến Long An vào những ngày dịp Tết Nguyên đán, đừng quên thưởng thức hương vị bánh tét Vàm Thủ thơm ngon, đậm vị quê hương.

Nhộn nhịp xóm bánh tét vào xuân

Khu vực phía sau chợ Vàm Thủ, xóm Căn Cứ thuộc ấp Vàm Kinh, xã Bình An huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An từ lâu đã được gọi là xóm bánh tét. Phần lớn người dân nơi đây làm nghề gói bánh tét truyền thống ngon nức tiếng gần 40 năm nay.

Xóm bánh tét Vàm Thủ đỏ lửa dịp tết

Xóm bánh tét Vàm Thủ nhộn nhịp gói bánh trong những ngày cuối năm. Ảnh: HUỲNH DU

Những ngày này, ở xóm bánh tét Vàm Thủ, không khí làm việc tất bật hơn thường ngày. Mọi người vừa nói, cười rôm rả, vừa nhanh tay hoàn thành các công đoạn để chuẩn bị gói bánh phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Bà Võ Thị Ánh (72 tuổi) cho biết bà là một trong những người làm bánh tét đầu tiên ở đây. Bà kể trong một lần tình cờ đi bán ở chợ, bà mua bánh tét ăn, thấy ngon nên tìm hiểu cách làm và… theo nghề. Thấy bà làm và bán được nên nhiều gia đình làm theo, từ đó hình thành xóm bánh tét Vàm Thủ ngày nay.

Xóm bánh tét Vàm Thủ đỏ lửa dịp tết

Bà Võ Thị Ánh dù 72 tuổi vẫn say mê với nghề gói bánh tét truyền thống. Ảnh: HUỲNH DU

Bà Ánh chia sẻ :“Nghề gói bánh tét vất vả vì phải thức khuya, dậy sớm. Dù vậy nhưng tôi vẫn gắn bó vì đây là nghề mưu sinh và là nghề truyền thống cần gìn giữ. Tôi hay dạy cho tụi nhỏ cách làm bánh, học riết giờ đứa nào cũng biết gói bánh. Khu vực này, ngoài nhà tôi còn 4 hộ khác cũng làm nghề gói bánh. Ở đây, tụi nhỏ đi làm công nhân, đi học… Những ngày tết được nghỉ, chúng cũng trở về cùng gia đình quây quần gói bánh tét”.

Nhờ có sự chỉ dạy cách học gói bánh mà bánh tét Vàm Thủ có sự truyền dạy qua nhiều thế hệ. Chỉ mới học lớp 12 nhưng em Lê Thị Cẩm Tú đã có thâm niên 6 năm gói bánh. Tú kể: “Lúc đầu, vào thời gian không học bài, em đi theo mẹ chơi và nhìn cách mẹ gói bánh. Mẹ dạy cho em cách đặt nhân, gói, cột dây… nên từ đó em biết gói bánh. Cứ sau những giờ học, rảnh rỗi là em theo mẹ đi gói bánh kiếm thêm thu nhập”.

Xóm bánh tét Vàm Thủ đỏ lửa dịp tết

Các thế hệ ở Vàm Thủ truyền dạy cho nhau nghề bánh tét truyền thống. Ảnh: HUỲNH DU

Gói bánh gần 10 năm nay, em Lê Thị Cẩm Nhung, sinh viên năm 2 trường Đại học Tài chính Makerting cho biết mỗi lần về nghỉ Tết, em thường phụ gia đình gói bánh bán dịp Tết. Nhung kể trong xóm rất nhiều người gói bánh giỏi, mọi người chủ động giờ giấc để tập hợp lại gói bánh, tránh trùng thời gian với nhau, từ đó thành nếp nghề. Em rất thích nét văn hóa này và thường chia sẻ với bạn bè ở tỉnh khác về bánh tét quê mình.

"Em rất tự hào về cái nghề bánh tét này. Em thường giới thiệu cho các bạn biết các loại bánh tét, hương vị bánh, hình dạng... Em cũng hay rủ các bạn về quê xem và học cách làm bánh tét, qua đó thì để các bạn có thể quảng bá về bánh tét Vàm Thủ cho mọi người biết đến” - Nhung chia sẻ.

Xóm bánh tét Vàm Thủ đỏ lửa dịp tết

Bánh tét Vàm Thủ được nhiều nhiếp ảnh gia và phóng viên đến tác nghiệp, sáng tác. Ảnh: CTV

Hiện tại, xóm bánh tét Vàm Thủ đã được nhiều người biết đến. Đây còn là đề tài cho nhiều chương trình truyền hình và đoàn nhiếp ảnh, qua đó giúp quảng bá hình ảnh bánh tét Vàm Thủ đến với mọi người.

Bà Ánh cho biết, ngày thường, các hộ trong xóm bánh tét gói từ vài chục đến vài trăm đòn bánh. Những ngày cận Tết, đơn đặt hàng tăng lên nhiều, nhiều nhất vẫn là các ngày 27, 28 Tết, có khi 1.000 đòn và hơn… Bánh tét ở đây chủ yếu bỏ mối hoặc các thương lái chở đi tiêu thụ ở các tỉnh lân cận như Bến Tre, Tiền Giang, Tây Ninh, TP.HCM,...

Hương vị truyền thống mang đậm hồn quê

Thương hiệu bánh tét Vàm Thủ được khách hàng nhiều tỉnh, thành biết đến nhờ hương vị truyền thống mang đậm hồn quê được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Xóm bánh tét Vàm Thủ đỏ lửa dịp tết

Những đòn bánh tét Vàm Thủ được gói tròn trịa, chỉnh chu trước khi đem vào nấu. Ảnh: HUỲNH DU

Ngoài ra bánh tét Vàm Thủ vang tiếng còn là nhờ bánh dẻo, thơm, bởi nếp được trồng trên đất Thủ Thừa. Bà Ánh cho biết thêm: “Nguyên liệu làm bánh, tôi đều lấy ở đây. Mình mua ở đâu mà biết gốc gác là sẽ chọn được loại hàng tốt nhất. Nếp ngon, dừa ngon, đậu ngon mà người gói khéo tay thì bánh sẽ được khách hàng yêu thích. Muốn làm bánh tét ngon phải trải qua nhiều công đoạn, tỉ mỉ và kỳ công. Lá chuối phải chọn lá phải to bản, không rách nát. Trước khi gói, phải lau sạch phấn bụi, tước lá ra thành từng khổ khác nhau để quấn thân bánh hay gói đầu đòn bánh. Phần nhân trước khi gói phải vo thật sạch, ngâm nước chừng 30 phút. Đậu được nấu trước để trộn chung với nếp, thêm muối đường gia vị trộn cho đều để thấm vào nếp bánh tét mới ngon”.

Đó là kinh nghiệm mà bà Ánh tích lũy gần 50 làm nghề của mình. Lò bánh của bà cung cấp bánh tét nhân chuối, mỡ, đậu ngọt và bánh ba nhân theo yêu cầu của thực khách.

Xóm bánh tét Vàm Thủ đỏ lửa dịp tết

Bà Trần Thị Kim Thoa có 20 năm kinh nghiệm trong nghề gói bánh tét. Ảnh: HUỲNH DU

Bà Trần Thị Kim Thoa (ấp Vàm Kinh, xã Bình An, huyện Thủ Thừa), người có kinh nghiệm 20 năm gói bánh tét cho biết thường 3 phút bà đã gói được một đòn bánh tét, một ngày bà gói từ 200 đến 300 đòn. Bà chia sẻ: “Để có đòn bánh tét vừa đẹp, vừa ngon thì lá chuối dùng để gói bánh phải tươi xanh, lá to, không bị rách vụn. Dây lát dùng để buộc được chẻ vừa phải, không quá to cũng không quá nhuyễn. Đòn bánh tét phải gói ít nhất 3 lớp lá. Bên cạnh đó, người thợ phải buộc bánh phải chắc tay, mỗi nấc dây đều nhau để đòn bánh đẹp, dẻ và không bị bung ra trong lúc nấu. Đây cũng là bí quyết giúp bánh tét để được lâu hơn mà vẫn dẻo, thơm ngon”.

Xóm bánh tét Vàm Thủ đỏ lửa dịp tết

Bánh tét đem nấu từ 8 đến 12 tiếng từng loại để cho bánh dẻo, thơm ngon. Ảnh: HUỲNH DU

Nấu tét Vàm Thủ trước đây dùng bếp củi nhưng giờ đã chuyển sang dùng than đá. Thời gian nấu bánh khoảng từ 8 đến 12 tiếng tùy từng loại. Để bánh dẻo và ngon, người nấu bánh phải đợi và châm nước đều khi nước cạn, sau đó để cho nước nguội hẳn mới lấy bánh ra.

Bánh tét Vàm Thủ không chỉ đơn thuần là món ăn còn mang đậm giá trị truyền thống. Gói bánh tét cũng là một trong những nét đẹp văn hóa, đặc trưng của người dân Nam bộ nói chung, người dân Long An nói riêng cần được bảo tồn và phát huy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm