Về Quảng Ngãi ăn giỗ

(PLO)- Đám giỗ ở Quảng Ngãi ấm áp, thân tình nên chỉ gói gọn trong gia tộc, bà con gần gũi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thỉnh thoảng, tôi vắt tay lên trán tự hỏi: “Đám giỗ ở Quảng Ngãi có khác ở Sài Gòn?” và mong có ngày được tới Quảng Ngãi dự.

Và cuối tuần rồi tôi được người bạn rủ về quê ở Quảng Ngãi ăn giỗ, tôi gật đầu ngay.

Tầm 10 giờ, khách khứa lần lượt tới nhà bạn tôi dự giỗ. Đưa mắt nhìn quanh, tôi thấy đa phần người đến dự, kể cả thanh niên trai tráng ít mang theo rượu bia, thay vào đó là bánh kẹo, trái cây cúng người đã khuất. Trong khi ở Sài Gòn, 10 người đến đám giỗ thì hết chín khệ nệ thùng bia, góp phần cho buổi nhậu.

Không khí chân tình trong bữa giỗ ở Quảng Ngãi. Ảnh: MINH TỰ

Không khí chân tình trong bữa giỗ ở Quảng Ngãi. Ảnh: MINH TỰ

Ly uống bia trong ngày giỗ tại hai nơi cũng khác nhau. Trong khi ở Sài Gòn dùng ly lớn thì người Quảng Ngãi dùng ly nhỏ, cỡ ly uống trà, lại còb có chấm bi xanh đỏ vàng. Thấy tôi có vẻ nghĩ ngợi, người bạn ghé tai nói nhỏ: “Dân Quảng Ngãi thiệt tình và mến khách nên một khi ngồi trong bàn nhậu thường uống hết ly. Do vậy, “chơi” ly lớn mau xỉn, còn dùng ly nhỏ sẽ “trụ” lâu hơn”.

Quả không sai! Biết chúng tôi đến từ Sài Gòn, anh em và họ hàng người bạn liên tục tới mời. “Nhập gia tùy tục”, mỗi lần cụng ly là chúng tôi phải “trăm phần trăm”. Chừa “long đền” một chút là được nhắc khéo bằng cách gõ nhẹ ngón tay vào ly.

Mâm giỗ Quảng Ngãi cũng khác. Trong khi những món cúng giỗ ở Sài Gòn thường gồm chả đùm, vịt quay, cà ri, gỏi, lẩu, thịt heo kho tàu, canh khổ qua nhồi thịt… thì các món ở Quảng Ngãi tôi thấy có gà ta luộc, gà rô ti, bò lá lốt, gỏi ram tôm, chả lụa, nem chua, bánh tẻ… và bánh tráng.

Đưa tôi miếng bánh tráng nướng giòn, người bạn giải thích: “Bánh tráng không thể thiếu trong ngày giỗ của người dân Quảng Ngãi. Bánh tráng không chỉ là đặc sản ẩm thực ở Quảng Ngãi mà còn hàm chứa sự tín ngưỡng rất riêng của người dân nơi đây. Bánh tráng ngoài là món khai vị, còn được dùng để gói ram bắp, ram thịt, ram tôm... dùng trong bữa giỗ. Bao nhiêu hương vị làng quê hòa quện trong bánh tráng khiến ai đi xa cũng đau đáu nhớ về quê nhà”.

Đám giỗ ở Quảng Ngãi ấm áp, thân tình nên chỉ gói gọn trong gia tộc, bà con. Do vậy đãi chỉ tầm 5-6 mâm, tức khoảng 60 người. Thức ăn cũng vừa đủ, không thiếu không dư. Trong khi ở Sài Gòn, đám giỗ đa phần mời nhiều khách nên kéo dài, thức ăn thừa mứa.

Tuy có chút khác như vậy, nhưng đám giỗ cả hai nơi lại có điểm chung: Đó chính là dịp để con cháu và họ hàng tề tựu, quây quần bên nhau; là dịp để mọi người hỏi thăm sức khỏe, công ăn việc làm… Đây còn là dịp để từ già tới trẻ, đàn ông, đàn bà tha hồ nhắc chuyện cũ, nói chuyện mới rồi ôm bụng cười ha ha....

Trong ngày giỗ, sợi dây máu mủ, ruột rà dường như càng được thắt chặt hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm