Về Trà Vinh trải nghiệm làm cốm dẹp cùng người Khmer

Hàng năm, cứ đến độ tháng 10 âm lịch là người dân Trà Vinh lại nôn nao chờ đón mùa cốm dẹp. Vào mùa lễ hội Oóc-om-boc của người Khmer, cốm dẹp rất đắt hàng, trở thành một món ngon không thể thiếu trong mùa lễ hội của người dân nơi đây.

Ông Thạch Sang, một người Khmer có kinh nghiệm làm cốm dẹp nhiều năm, trực tiếp tái hiện lại cảnh giã cốm dẹp cho du khách khi đến Bảo tàng văn hoá dân tộc Khmer cho biết, cốm dẹp là một món ăn truyền thống của người Khmer.

Ông Thanh Sang, người đang đứng rang nếp trong nồi đất nói chuyện với du khách về cách làm cốm dẹp. ẢNH: THANH TUYỀN.

Ông Sang cho hay, nếp là nguyên liệu chính để làm cốm dẹp. Chính vì vậy mà vào tháng 10 âm lịch, khi mùa nếp chín tới thời điểm ngon nhất thì người Khmer mới làm cốm dẹp để giữ được hương vị ngon nhất của nếp. Cốm mới quết rất giòn và dẻo, ăn ngay cũng đã cảm nhận được hương vị đặc trưng, khoái nhất là mùi cám vẫn còn vương lại nơi đầu mũi.

Khi mùa nếp chín tới thời điểm ngon nhất thì người Khmer mới làm cốm dẹp để giữ được hương vị ngon nhất của nếp. ẢNH: LÊ THOA.

Ông Sang cũng sẵn sàng hướng dẫn cho du khách các công đoạn làm cốm dẹp. Theo đó, đầu tiên phải rang nếp trong nồi đất. Đảo nếp cho đều, khi hột nếp vừa giòn là chuyển vào cối đã giã. Hai người giã cốm đứng đối diện nhau, mỗi người một tay cầm chày một tay cầm cây gạt, vừa giã vừa gạt cho hột nếp dính chày rớt xuống cối để giã tiếp. Giã xong, cho cốm ra nia, sảy hết trấu rồi đem sàng để có được loại cốm ngon nhất. Sau đó trộn cốm với dừa nạo kèm đường cát trắng, trộn đều, để vậy trong vài giờ đồng hờ rồi dùng lá chuối gói lại thành từng nắm thưởng thức. Vị cốm sẽ rất thơm, béo mà mềm.

Ông Sang cho biết, cái nồi để rang nếp đã được gia đình ông truyền qua nhiều thế hệ nên rất quý. ẢNH: THANH TUYỀN.

Sau khi rang nếp thì bắt đầu giã. Cách giã là hai người đứng đối diện, thay phiên nhau giã cho hột nếp dính chày rớt xuống cối để giã tiếp. Trong ảnh, du khách đang trải nghiệm công đoạn giã nếp. ẢNH: LÊ THOA.

Giã xong, cho cốm ra nia, sảy hết trấu rồi đem sàng để có được loại cốm ngon nhất. ẢNH: LÊ THOA.

Cốm được bày ra trên lớp lá chuối, để như vậy trong vài tiếng đồng hồ rồi gói lại bằng lá chuối, sau đó thưởng thức. ẢNH: THANH TUYỀN.

Những năm gần đây, tận dụng những giá trị văn hoá mang đậm bản sắc bản địa của người Khmer, tỉnh Trà Vinh đã thực hiện dự án Làng văn hoá du lịch Khmer, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 3km. Bước chân vào làng, du khách sẽ được hòa mình vào nét đẹp độc đáo của nền văn hóa Khmer lâu đời, lan tỏa bằng hình thức du lịch cộng đồng.

Dự án này đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân. Từ đó tạo nên nguồn thu nhập ổn định, cao hơn nhiều so với làm ruộng. Nhiều sinh viên người Khmer khi ra trường đã tìm được công việc yêu thích, làm hướng dẫn viên ở làng văn hoá, trong bảo tàng người Khmer, gắn bó với nét đẹp độc đáo của dân tộc và quê hương mình. có thể gắn bó lâu dài trên chính mảnh đất quê hương.

Chính hương vị "hương đồng gió nội" từ nếp, nước dừa đã thôi thúc những người con dù xa quê cũng cố gắng quay về vào tháng 10 âm lịch để cùng thưởng thức. ẢNH: LÊ THOA.

Hiện mỗi tháng, làng văn hóa du lịch Khmer đón hàng chục đoàn khách từ khắp nơi trong và ngoài nước tới thăm với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng từ làm cốm dẹp, nhảy múa, tham quan làng bích họa, ngắm cảnh và tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng, chùa chiền…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới