VEC: 'Dư luận hiểu sai về băng keo chống thấm trên cao tốc'

Trưa 22-11, chúng tôi có mặt tại một số hầm chui dân sinh trên cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.

Theo ghi nhận, tại địa phân xã Tam Mỹ Tây và Tam Mỹ Đông (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) có hai hầm chui đã được chống thấm.

Cụ thể, tại hầm chui dân sinh cao 4,5 m đoạn qua thôn 4, xã Tam Mỹ Tây có ba vị trí giống vệt băng keo dán lâu ngày đã gỡ ra, kích thước khoảng 40x40 cm. Những vị trí này có màu rất khác với lớp bê tông của hầm.

Hầm chui dân sinh đoạn qua thôn 4, xã Tam Mỹ Tây. Ảnh: THANH NHẬT

Theo một người dân tại đây, vài tháng trước trời có mưa nước chảy từ trên cầu xuống rất nhiều. Cách đây vài tháng, một số công nhân cao tốc đã đến hầm chống thấm.

“Sau đó chúng tôi thấy những chỗ chống thấm này có dán băng keo. Từ ngày hôm qua những mảng băng keo này vẫn còn. Tuy nhiên, sáng nay không rõ ai đã gỡ đi rồi” - người này nói.

Tương tự, tại hầm chui dân sinh 2,5 m đoạn qua thôn Phú Quý 3, xã Tam Mỹ Đông cũng đã được chống thấm. Tại hầm chui này, có ba vị trí được dán bằng băng keo chằng chịt, ngang dọc với kích thước 40x40 cm. Lúc chúng tôi có mặt tại hầm, một công nhân bắt đầu dùng vật sắc nhọn cạo lớp băng keo này ra.

Vị trí băng keo dán đã được gỡ ra tại hầm chui dân sinh thôn 4, xã Tam Mỹ Tây. Ảnh: THANH NHẬT

Ông Lê Phô (62 tuổi, thôn Phú Quý 3) cho hay cách đây vài tháng có một nhóm công nhân cao tốc sửa chữa thấm dột, sau đó dán dưới đỉnh dầm nhiều lớp băng keo bọc bên ngoài.

“Không hiểu họ chống thấm bằng chất liệu gì nhưng dán ở dưới là một lớp băng keo. Từ khi họ chống thấm, mưa không còn dột. Nhưng những hôm mưa lớn hầm này ngập không đi qua được” - ông Phô nói.

Băng keo gỡ còn sót lại tại vị trí chống thấm hầm chui dân sinh thôn Phú Quý 3, xã Tam Mỹ Đông. Ảnh: THANH NHẬT

Trao đổi với chúng tôi để làm rõ những vị trí dán băng keo này, ông Lê Quang Hào, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết không có chuyện dùng băng keo để chống thấm tại các hầm chui dân sinh trên cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Trong quá trình thi công, công nhân đã dùng băng keo dán trên dầm cầu để bảo vệ lớp sika chống thấm, khi vật liệu khô sẽ tháo ra.

Trước đó, ngày 28-10, VEC thừa nhận trên tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi có nhiều cầu, hầm chui dân sinh xuất hiện hiện tượng thấm dột. Sau đó, VEC đã tiến hành xử lý, khắc phục các điểm này.

Công nhân đang tiến hành gỡ bỏ lớp băng keo. Ảnh: THANH NHẬT

Được biết hạng mục hầm chui này thuộc gói thầu A2, do Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng cầu đường Sơn Đông (Trung Quốc) làm nhà thầu thi công.

Chiều 22-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Chí Chung, Chánh văn phòng VEC, cho biết thời gian qua VEC đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, tư vấn giám sát và nhà thầu rà soát toàn bộ các vị trí thấm dột và khẩn trương triển khai sửa chữa, khắc phục sau khi báo chí phản ánh.

“Để xử lý hiện tượng thấm dột tại hầm chui (Km 86+838), nhà thầu đã tiến hành bơm vật liệu chống thấm đặc chủng (vữa sika) vào bên trong để xử lý. Sau đó, nhà thầu đã dán băng keo bên ngoài các vị trí này để tạm thời phủ và bảo vệ vị trí đã sửa chữa chứ không phải dùng băng keo để chống thấm” - ông Chung nói.

Ông Chung khẳng định việc sử dụng băng keo là không có tác dụng chống thấm và chỉ được sử dụng như là biện pháp bổ sung cho việc khắc phục sửa chữa.

“Chúng tôi đã yêu cầu tháo gỡ băng keo tại hầm chui (Km 86+838) để tránh tình trạng dư luận hiểu không đúng và để đảm bảo tính mỹ quan của công trình” - ông Chung cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới