Theo đó, nếu gặp trường hợp tương tự Quế Ngọc Hải, người vi phạm sẽ chịu các chi phí hợp lý cho việc chữa trị chấn thương với mức quy định: Không vượt quá 15 tháng lương của người vi phạm theo hợp đồng lao động ký với CLB chủ quản; không vượt quá 50 triệu đồng đối với trường hợp người vi phạm là cầu thủ đào tạo, tập nghề. Trong trường hợp này, chi phí sẽ do CLB đang sử dụng, quản lý cầu thủ tại thời điểm vi phạm chi trả”.
Cần nhắc lại vụ việc trung vệ Quế Ngọc Hải (SL Nghệ An) sau một pha vào bóng thô bạo đã làm gãy chân đồng nghiệp Anh Khoa (SHB Đà Nẵng). Ngay sau đó, Ban kỷ luật VFF đã đưa ra án phạt treo giò Quế Ngọc Hải sáu tháng, phạt 15 triệu đồng và phải bồi thường toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương cho Anh Khoa.
Quyết định kỷ luật này đã gây ra nhiều cuộc tranh luận không chỉ trong giới bóng đá mà các luật sư khẳng định án phạt đứng trên luật dân sự. Cuộc tranh cãi khá gay gắt qua nhiều tháng vì con số bồi thường chấn thương quá lớn (hơn 800 triệu đồng) và bởi chưa từng có án lệ khiến người trong cuộc khốn đốn. Một con tính đơn giản là khi Quế Ngọc Hải gom đủ số tiền thì không nhận lương suốt 40 tháng ròng.
Mãi đến ngày 17-12, Quế Ngọc Hải mới có đủ số tiền trên nhờ vào sự trợ giúp của bầu Đức, của nhà tài trợ của SL Nghệ An và Hội CĐV mới có đủ tiền tháo gỡ gánh nặng cho cầu thủ này.
Chính vì sự bất hợp lý của án phạt trên, hội thảo của VFF và VPF vào hôm qua đã thống nhất sửa đổi quy định đã từng áp dụng cho mùa giải 2015 ở điều 39 đối với hành vi xâm phạm thân thể.