Hai thập niên sau khi chiếc tàu ngầm cuối cùng S323 Saelen ngừng hoạt động, Đan Mạch đã hạn chế khôi phục lực lượng tàu ngầm nước này. Tuy nhiên, cuộc chiến Ukraine có thể buộc Đan Mạch cân nhắc lại quyết định này khi tàu ngầm có thể giúp đối phó các cuộc thám hiểm biển Baltic của Nga.
Đan Mạch tính hồi sinh tàu ngầm sau 20 năm ngưng hoạt động
Theo trang The EurAsian Times, Hải quân Hoàng gia Đan Mạch sau khi loại biên đã biến tàu ngầm S323 Saelen thành viện bảo tàng. Đây là tàu ngầm duy nhất ở Đan Mạch từng tham gia chiến đấu.
Saelen được hạ thủy năm 1990 và là tàu ngầm diesel-điện cỡ nhỏ rất thích hợp hoạt động ở những vùng nước nông gần bờ biển. Tàu ngầm được trang bị 8 ống phóng ngư lôi và có thể triển khai lực lượng hải quân.
Năm 2002, S323 Saelen tham gia các hoạt động chống khủng bố của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Địa Trung Hải. Ngay trước khi trở lại Đan Mạch, Saelen được điều tới Vịnh Ả Rập để cùng với tàu hộ vệ Olfert Fischer thực hiện các hoạt động quan trọng trong cuộc chiến thứ hai tại Iraq.
Tàu ngầm S323 Saelen ngưng hoạt động vào năm 2004.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia Đan Mạch đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt với các tàu ngầm Liên Xô nhờ khả năng ít bị phát hiện của tàu và thực tế là Đan Mạch đã kiểm soát tất cả cách tiếp cận vùng biển Baltic. Tuyến phòng thủ đầu tiên của Đan Mạch là hải quân.
Sau khi Liên Xô tan rã, kết thúc Chiến tranh Lạnh, các lực lượng vũ trang Đan Mạch bắt đầu cắt giảm chi tiêu và nhân lực. Từ năm 1989, chi tiêu của Đan Mạch giảm từ 2,1% GDP xuống còn 1,7% GDP. Từ năm 1990-1999, Đan Mạch vạch ra một kế hoạch cắt giảm dài hạn với việc cắt giảm 14,3% nhân lực.
Theo Đạo luật Các lực lượng Vũ trang Đan Mạch do quốc hội thông qua tháng 12-1993, Hải quân Đan Mạch có hai nhiệm vụ lớn. Nhiệm vụ thứ nhất là duy trì quyền kiểm soát các vùng lãnh hải của Đan Mạch xung quanh khu vực tự trị Greenland và đảo Faroe – đây sẽ là ưu tiên số 1 trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Trách nhiệm thứ hai là thực hiện bất kỳ nhiệm vụ được giao nào cho các tàu chiến Đan Mạch trong phạm vi của NATO.
Thế nhưng việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, đưa chiến tranh tới tận ngưỡng cửa châu Âu, Đan Mạch đang dự tính mua tàu ngầm mới. Đến nay, quốc gia này phụ thuộc vào sự hợp tác chặt chẽ giữa các đồng minh.
Năm 2022, Đan Mạch cam kết đầu tư 40 tỉ krone (5,8 tỉ USD) để đóng các tàu hải quân mới trong vài năm tới, đồng thời cam kết phát triển nguồn cung an ninh mạnh mẽ hơn với các nhà cung cấp hàng hải quốc gia.
Động thái tái tạo lực lượng tàu ngầm sau 20 năm là điều khó khăn nhưng là cần thiết, nếu xét tới sự nhảy vọt trong công nghệ tàu ngầm của Nga. Các tàu ngầm của Nga trở nên yên tĩnh hơn với hình dáng thuôn gọn cùng lớp phủ thủy âm đặc biệt trên thân tàu giúp giảm tiếng ồn. Tàu ngầm Nga được phương Tây đặt cho biệt danh “hố đen” vì khả năng tàng hình của chúng.
Hải quân Nga sẽ có 50 tàu ngầm trong năm 2030, trong khi hạm đội Mỹ sẽ giảm xuống còn 57 chiếc trong cùng năm.
Đan Mạch tăng cường năng lực quốc phòng
Năm 2023, ông Michael Aastrup Jensen - chủ tịch Ủy ban chính sách đối ngoại Đan Mạch thông báo Hải quân Hoàng gia Đan Mạch đang thảo luận việc mua tàu ngầm.
Copenhagen đã thông qua Thỏa thuận quốc phòng mang tính bước ngoặt vào năm 2023, đề ra danh sách các năng lực phải đạt được trong 10 năm. Tháng 1-2024, theo thỏa thuận, chính phủ phân bổ khoảng 16 tỉ krone (khoảng 2,33 tỉ USD) để mua thêm thiết bị cũng như tăng cường tuyển dụng và giữ chân nhân lực.
Trong khoản phân bố 16 tỉ krone trên, khoảng 9,7 tỉ krone sẽ được chi vào việc mua sắm. Ưu tiên là phòng không tầm ngắn dành cho lữ đoàn Lục quân, máy bay không người lái tầm xa để giám sát và thu thập tình báo tại Bắc Cực và Bắc Đại Tây Dương, tên lửa phòng không tầm gần cho tàu hải quân, ngư lôi cho các tàu hải quân và trực thăng Sea Hawk cho không quân, và xây dựng năng lực hậu cần để hỗ trợ việc triển khai trong và ngoài khu vực lân cận.
Ngày 30-4, chính phủ và các đảng đứng sau Thỏa thuận Quốc phòng Đan Mạch 2024-2033 nhất trí về thỏa thuận từng phần thứ hai theo Thỏa thuận Quốc phòng. Thỏa thuận từng phần thứ hai đã phản ánh tình hình an ninh ngày càng tệ đi tại châu Âu và cần phải xây dựng năng lực phòng thủ của Đan mạch nhanh hơn dự kiến trước đây.
Thỏa thuận này tăng khuôn khổ tài chính của Thỏa thuận Quốc phòng lên 35,2 tỉ krone trong các năm 2024-2028, nâng tổng khuôn khổ tài chính lên 190 tỉ krone trong giai đoạn thỏa thuận.
Các quỹ mới cho phép đầu tư nhanh chóng vào các năng lực quân sự quan trọng. Những khoản đầu tư bao gồm xây dựng Lữ đoàn số 1 của Lục quân Đan mạch, mua hệ thống phòng không trên đất liền, hoàn thiện việc xây dựng năng lực tác chiến chống tàu ngầm của hải quân, và thúc đẩy việc mua hệ thống phòng không tầm ngắn của hải quân.
Biển Baltic – nơi tập trung tàu ngầm đông đúc
Ngay cả khi Đan Mạch đang dự tính mua tàu ngầm thì Thụy Điển cũng đã đặt mua 2 tàu ngầm mới. Na Uy và Hà Lan mỗi nước cũng đã đặt mua 4 tàu ngầm.
A26, tàu ngầm mới đầu tiên của Thụy Điển trong vài chục năm qua sẽ có vũ khí tiên tiến, động cơ đẩy tàng hình và thân tàu tránh sóng âm để đối phó Nga tại biển Baltic. Tàu ngầm A26 nằm trên bản vẽ đã hơn 10 năm và sẽ được ra mắt vào năm 2027-2028.
Tàu ngầm mới của Thụy Điển được thiết kế để tuần tra khu vực phía đông NATO dưới biển Baltic, theo dõi và đối phó các động thái hàng hải của Nga trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và châu Âu ngày càng xấu đi.
Hải quân Na Uy đã đặt mua 4 tàu ngầm mới từ công ty ThyssenKrupp Marine Systems (TKMS) của Đức.
Chính phủ Hà Lan đã trao cho Tập đoàn đóng tàu ngầm Naval Group của Pháp và đối tác Royal IHC của Hà Lan hợp đồng đóng 4 tàu ngầm diesel-điện lớp Barracuda. Những tàu ngầm mới này sẽ thay thế 3 chiếc tàu lớp Walrus cũ kỹ của hải quân nước này.
Hải quân Đức sẽ bổ sung 2 tàu ngầm Type 212 vào hạm đội gồm 6 chiếc hiện nay. Những tàu ngầm mới này sẽ khiến biển Baltic đông đúc nhộn nhịp, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa hạm đội tàu ngầm châu Âu và Nga.