Hồi ấy phố Bùi Viện cũng được gọi là “phố Tây” rồi. Gọi là phố Tây đơn giản chỉ vì khu phố này Tây ở nhiều, chủ yếu là Tây ba lô. Mỗi khi đi qua ngã tư Bùi Viện - Đề Thám, tôi thấy người nước ngoài thích ngồi trong những quán bar ngay góc ngã tư nhìn ra đường. Buổi tối thì sôi động hơn, những người nước ngoài lưu trú nhà dân trong những con hẻm ở khu phố gần như đổ ra những quán cà phê hay quán bar sát lề đường, uống vài chai bia, ngắm phố xá về đêm và tán gẫu.
16 năm trôi qua, tôi cũng đã ra trường và rời khỏi quận 1. Khu phố Tây dường như đông đúc và nhộn nhịp hơn. Phố Bùi Viện cũng trở thành nơi kinh doanh xô bồ, thậm chí nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường diễn ra thường xuyên. Rồi kể cả nạn cướp giật, móc túi cũng không ít lần tái diễn tại khu phố này, gây rầy rà cho cả du khách. Nhưng sức cuốn hút của khu phố này vẫn không ngừng khiến khách du lịch tìm đến.
Chỉ còn nửa tháng nữa thôi, Bùi Viện sẽ chính thức trở thành phố đi bộ đúng nghĩa. Trở lại thăm phố Tây những ngày này, chính quyền quận 1 đang khẩn trương cho chỉnh trang lại diện mạo của khu vực. Từng tốp công nhân đang đào đường để sửa lại ống nước, nhiều xe cần cẩu đang hoạt động hết công suất. Người dân phố Tây cũng rộn ràng sửa sang lại nhà cửa để đón diện mạo mới của nơi mình ở. Những hoạt động này khiến Bùi Viện như một tiểu công trường đang hoạt động nước rút để chuẩn bị cho ngày khai trương.
Thật thú vị khi phát hiện ra nét độc đáo của Bùi Viện không chỉ là những quán cà phê ngoài mặt phố mà sức cuốn hút của nó một phần nằm ngay trong những con hẻm dân sinh này.
Nếu nhìn từ trên cao, bốn trục đường chính của phố Tây Bùi Viện - Đề Thám - Đỗ Quang Đẩu và Phạm Ngũ Lão có hàng loạt con hẻm nhỏ chạy ngang dọc, nối liền những trục đường chính theo hình ô bàn cờ. Trong những con hẻm nhánh này chính là cuộc sống và sinh hoạt đời thường của người dân, là một phần văn hóa của người Sài Gòn. Những quán cà phê nhỏ xinh nằm nép mình trong hẻm, du khách ngồi ăn sáng, uống cà phê. Dọc theo con hẻm dài, tôi bắt gặp một người đàn ông lớn tuổi đang chiên trứng cho bữa trưa ngoài đường, sát bên hông nhà; một vài cô bác gánh từng gánh hàng rong với đủ loại trái cây đi dọc phố xá; những người dân ngồi trước thềm nhà lặt rau chuẩn bị cho bữa trưa…
Từ đầu hẻm nhìn vào, hàng loạt biển hiệu đủ màu sắc nằm sát bên nhau cũng đủ cho thấy người dân nơi đây tranh thủ hết lợi thế khu đất vàng để làm du lịch. Đó là chưa kể đến những buổi tối, khu phố này tràn đầy sức sống vì những hoạt động về đêm. Có lẽ khi đến tham quan một nơi nào đó không chỉ là để ngắm cảnh mà chính sinh hoạt của con người mới là thứ tạo nên sự khác biệt cho những nơi ta đến. Cảm giác được hòa mình vào đời sống của người xứ lạ, thử cảm giác làm một công dân của một đất nước xa lạ có lẽ là một trải nghiệm thú vị cho du khách.
So với phố đi bộ Nguyễn Huệ thì khu Bùi Viện có lẽ sinh động, hấp dẫn hơn, không chỉ là một khu phố chỉ để đi bộ mà còn là nơi giao lưu văn hóa giữa những con người đến từ nhiều quốc gia trên thế giới với nhau và với chính người dân địa phương.