Vi khuẩn “ăn thịt người”: Sát thủ giấu mặt!

Đầu tháng 7, ở Hà Nội có thêm một ca tử vong do vi khuẩn “ăn thịt người”. Thạc sĩ-BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết từ năm 2012 tới nay BV tiếp nhận 11 trường hợp bị vi khuẩn “ăn thịt người” tấn công, trong đó đã có bảy trường hợp tử vong.

“Tính sổ” cực nhanh

Anh NHV (nam, 45 tuổi, ngụ Hà Nội) ngày 4-7 bị ong đốt ở mu bàn tay phải và không hề hay biết đó là ngày mà một loại vi khuẩn xa lạ đã đột nhập vào cơ thể và “tính sổ” cuộc đời anh. Sau khi bị ong đốt, anh V. đã xuống một mương nước gần đó để rửa vết thương và thấy chẳng có gì quan trọng nên nhanh chóng quên nó.

Nhưng ba ngày sau, chỗ vết thương sưng nề làm anh bị sốt nhẹ. Ngày thứ tư, hai khớp gối và bắp chân cảm thấy đau nhức, anh V. tới BV địa phương điều trị nhưng triệu chứng trên không bớt; thậm chí hai bắp chân sưng nề, da chuyển màu xanh tím, dấu hiệu hoại tử. BV địa phương chuyển bệnh nhân đến BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.

BS Nguyễn Trung Cấp nhớ lại: Khi nhập viện, bệnh nhân V. bị sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, suy thận, rối loạn đông máu nặng, hoại tử hai cẳng chân, bàn và cẳng tay. Trong tình trạng như vậy, các bác sĩ xem xét và nhận định không thể giữ được hai chân, phải cắt bỏ từ đầu gối trở xuống. Ngoài ra, trên cơ thể anh V. có nhiều vị trí cũng bị hoại tử.

Khi nhận được quyết định của BV, gia đình anh V. vẫn còn bàng hoàng, không biết chuyện gì đã xảy ra vì mới trước đó một tuần anh V. hoàn toàn khỏe mạnh. Cuối cùng gia đình anh V. xin không đoạn chi và đưa anh V. về nhà.

Chân, tay bị hoại tử do vi khuẩn “ăn thịt người” tấn công. (Ảnh do BV cung cấp)

Lộ diện kẻ “sát thủ giấu mặt”

Cuối tháng 5, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận bệnh nhân PXT (nam, 35 tuổi, ngụ Bắc Giang) với nhiều vùng trên cơ thể bị hoại tử. Gia đình anh T. kể trước đó anh chỉ bị một vết xước nhỏ ở mu bàn chân phải. Những vết thương nhỏ ngoài da như vậy hầu như ai cũng từng gặp phải và chẳng mấy ai bận tâm. Anh T. cũng vậy, chẳng băng vết thương và do công việc anh có đôi lần lội trong nước bẩn. Hôm sau chỗ vết thương có dấu hiệu sưng, nhức. Qua ngày thứ tư, bệnh diễn biến nhanh, chỗ vết thương sưng tấy gây hoại tử toàn bộ cẳng chân, sau đó xuất hiện nhiều vùng sưng nề hoại tử khác trên cơ thể. Bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, suy thận, rối loạn đông máu. Điều trị sáu ngày tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, thấy bệnh không giảm gia đình đã xin ngừng điều trị, đưa anh T. về nhà.

Kết quả cấy máu cả hai trường hợp trên đã tìm ra kẻ “sát thủ giấu mặt” tàn độc trên là vi khuẩn Aeromonas Hydrophila. BS Cấp cho biết vi khuẩn A. Hydrophila dạng hình que, thường gặp ở vùng có khí hậu ấm, ở môi trường nước ngọt và nước lợ. Chúng có thể gây viêm cân mạc hoại tử và hoại tử cơ, gây nhiễm trùng rất nặng. “Viêm cân mạc hoại tử tuy ít gặp nhưng tỉ lệ tử vong do bệnh nhiễm trùng này rất cao” - BS Cấp nhấn mạnh.

Tránh để vết thương tiếp xúc nước bẩn

Vi khuẩn A. Hydrophila xâm nhập qua vết thương như từ vết đốt của côn trùng, bỏng hoặc vết cắt trên da gây nhiễm trùng. Người bệnh nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc và hoại tử da hoặc thậm chí có hoại tử cơ. Đó là các triệu chứng bị viêm cân mạc hoại tử, có thể dẫn tới suy tạng và tử vong.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, biện pháp phòng, chống loại vi khuẩn này tốt nhất là tránh tiếp xúc nước bẩn khi có vết thương, xây xát trên da. Luôn giữ gìn các vết thương trên da được sạch sẽ. BS Cấp lưu ý những người làm nghề thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn như công nhân vệ sinh, người nuôi cá, tôm… nên có các trang bị phòng hộ phù hợp. “Nếu thấy cảm giác đau tại vết thương đang hoặc đã cải thiện qua 24-36 giờ nhưng sau đó đột ngột đau trở lại và có dấu hiệu da đỏ, sưng nề, cảm giác nóng khi chạm vào vết thương; trong người có các triệu chứng như sốt và gai rét, buồn nôn và nôn, tiêu chảy phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời” - BS Cấp khuyến cáo.

“Điều trị càng sớm thì khả năng hồi phục và tránh được các biến chứng nghiêm trọng như cắt cụt chi hoặc tử vong càng cao” - BS Cấp nhấn mạnh.

HUY HÀ

Các nhà khoa học phát hiện vi khuẩn “ăn thịt người” đã tiến hóa cực nhanh. Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, chỉ trong vòng 35 năm qua loại vi khuẩn có tên gọi là nhóm A Streptococcus này (trong đó có A. Hydrophila) đã trải qua bốn sự thay đổi di truyền lớn gây ra viêm cân mạc hoại tử - căn bệnh nguy hiểm chết người còn được biết đến với tên nôm na là “thối rữa thịt”. Các vi khuẩn nhóm A Streptococcus có lẽ bắt đầu tấn công con người kể từ những năm 1980. (Theo khoahoc.com)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm