Vi phạm giao thông: Phạt lao động công ích để răn đe

Ngày 25-4, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ GTVT chủ trì rà soát đối với người vi phạm giao thông. Đặc biệt, ở một số hành vi vi phạm thì người vi phạm buộc phải lao động công ích.

Nhiều bạn đọc, chuyên gia tiếp tục bày tỏ việc cần đưa biện pháp chế tài này vào luật.

Đây là hình phạt  văn minh

NGUYỄN VĂN TÂM,
tài xế xe tải

Lao động công ích là hình thức giúp người vi phạm chuộc lỗi đối với cộng đồng. Tôi cho đây là hình thức xử phạt văn minh vì vừa mang tính răn đe, vừa giúp ích được cho xã hội.

Tuy nhiên, không phải lỗi vi phạm nào cũng áp dụng mà chỉ nên áp dụng với những lỗi nặng nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự.

Riêng đối với những lỗi như lấn làn đường, không xi nhan,… hay những lỗi nhẹ khác mà khả năng gây ra tai nạn là thấp thì cũng không nên áp dụng hình phạt này.

Bởi tài xế sau khi bị đóng tiền phạt, họ còn phải tiếp tục lao động lo cho bản thân và gia đình nữa.

NGUYỄN VĂN TÂM, tài xế xe tải ở TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng

Chỉ nên áp dụng với lỗi cố ý

Anh NGUYỄN TIẾN MINH

Buộc phải đi lao động công ích đối với những người vi phạm giao thông là cần thiết để tăng tính răn re đối với những người vô ý thức không chấp hành đúng quy định. Tuy nhiên, luật cần nêu rõ trường hợp nào nên áp dụng hình phạt bổ sung này, trường hợp nào không.

Theo tôi thì chỉ nên áp dụng phạt với những lỗi cố ý vi phạm giao thông gây ra hậu quả cho người khác. Đối với những lỗi vô ý hoặc không gây nguy hiểm thì nên phạt tiền thôi. Có những trường hợp người vi phạm là một người sống mẫu mực, luôn chấp hành đúng quy định nhưng do không để ý chạy lấn làn đường mà bị phạt đi lao động công ích thì rất tội cho họ. Bởi phạt lao động công ích, nhiều người biết thì họ sẽ xấu hổ với bà con, hàng xóm. Thậm chí không dám nhìn mặt ai và họ sẽ mặc cảm vì những lỗi không đáng.

Anh NGUYỄN TIẾN MINH, Tôn Đức Thắng,  TP Phan Thiết, Bình Thuận

CSGT lập biên bản xử lý một trường hợp vi phạm giao thông đường bộ tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Đáng để nghiên cứu đưa vào luật

Luật sư BÙI QUỐC TUẤN

Hiện nay mức phạt trong Nghị định 46/2016 vẫn còn nhẹ. Dẫn chứng là mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ hiện nay là 40 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tước bằng lái 4-6 tháng hoặc 22-24 tháng thì chưa đủ sức răn đe.

Lấy một ví dụ cụ thể là trường hợp tài xế sử dụng rượu bia, ma túy khi lái xe dẫn đến xảy ra tai nạn, gây hậu quả nghiêm trọng thì cần nâng mức chế tài thành tước bằng lái vĩnh viễn. Nhưng đối với những lỗi vi phạm giao thông chưa tới mức để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì chế tài tước bằng lái có thời hạn và phạt tiền thật nặng vẫn là chưa đủ.

Chế tài đã được áp dụng lâu nay và kết quả là người vi phạm chỉ cần đóng tiền phạt là xong, đó là chưa kể đối với một số người kinh tế khá giả thì dù có tăng mức phạt tiền thật nặng thì số tiền đóng phạt đó đối với họ cũng không có nghĩa lý gì.

Vì thế, cần nâng cao nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông. Việc bổ sung hình thức xử phạt buộc lao động công ích trong Luật Xử lý vi phạm hành chính nói chung và Nghị định 46/2016 nói riêng là hợp lý.

Đây là chế tài phù hợp để giáo dục, nâng cao ý thức của mọi người không chỉ vi phạm trong lĩnh vực giao thông mà trong nhiều lĩnh vực khác cũng cần bổ sung chế tài này. Nếu như chỉ dừng lại ở hình thức phạt tiền thì chỉ đánh vào kinh tế mà không đánh trực tiếp vào ý thức của người dân, lâu ngày dễ tạo thành thói quen coi thường pháp luật.

Luật sư BÙI QUỐC TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Không lo vi phạm quyền con người

Luật sư TỪ TIẾN ĐẠT

Hình thức xử phạt lao động công ích nếu đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành thì không thể thực hiện vì chưa có quy định cụ thể. Tuy nhiên, trước vấn nạn vi phạm, tai nạn giao thông gia tăng như hiện nay thì cần bổ sung hình thức xử phạt này vào Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Thời điểm soạn thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, nhiều ký kiến cho rằng nếu đưa hình thức xử phạt buộc người vi phạm đi lao động công ích sẽ vi phạm Công ước số 29 (về lao động cưỡng bức) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mà nước ta là thành viên. Tuy nhiên, về bản chất, đây không phải là lao động cưỡng bức mà là hình thức chế tài xử phạt, có tác dụng giáo dục người vi phạm. Hơn nữa, trên thế giới nhiều nước đã áp dụng. Vì vậy, nếu biện pháp này đưa vào luật thì cũng không trái với công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Luật sư TỪ TIẾN ĐẠT, Đoàn Luật sư TP.HCM

Lo ngại hình thức xử phạt khó khả thi ở đô thị

Tôi cũng từng công tác trong ngành quân sự. Trước đây, theo quy định của ngành thì những cá nhân nào đào ngũ, bỏ quân ngũ thì khi về muốn nhập lại hộ khẩu phải bị phạt lao động công ích. Ngoài ra, trước đây Nhà nước có quy định việc thu tiền lao động công ích hằng năm đối với người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, thực hiện một thời gian thì hai quy định này đã bỏ hết vì trên thực tế không khả thi. Bởi đối với vùng nông thôn thì có thể có khả thi, vì vùng nông thôn thì người vi phạm sẽ lao động tại chỗ và ở đó có nhiều công việc tay ngang không cần qua đào tạo cũng làm được như dọn đường sá, quét kênh rạch,...

Riêng ở các đô thị lớn như TP.HCM thì đâu có thể người tay ngang mà lao động công ích được. Cụ thể, đối với những công việc mang tính công ích như dọn cống, quét đường, tỉa cây,… cũng cần phải có tay nghề. Nếu hình thức xử phạt này được đưa vào luật thì cần tính toán thêm chỗ này. Đồng thời phải quy định rõ như phạm lỗi gì thì bị phạt, phạt trong thời gian bao lâu, cơ quan nào chịu trách nhiệm theo dõi sự chấp hành của những người bị phạt…

LÊ ĐÌNH BẢYPhó Chủ tịch UBND phường 3, quận Gò Vấp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm