Vì sao bệnh viện Al-Shifa trở thành 'tâm chấn' trong xung đột Israel-Hamas?

(PLO)- Phía Israel nhiều lần cho rằng Hamas dùng bệnh viện Al-Shifa làm cơ sở trú ẩn, trong khi Hamas liên tục phủ nhận lập luận này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-11, lực lượng Israel đã đột kích bệnh viện Al-Shifa - bệnh viện lớn nhất Dải Gaza, theo đài CNN.

Trước đó, phía Israel cáo buộc phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) hoạt động trong các đường hầm bên dưới bệnh viện Al-Shifa. Tuy nhiên, Hamas và những người điều hành bệnh viện Al-Shifa cho biết thông tin trên là không chính xác.

Hàng ngàn người Palestine được cho là đang trú ẩn trong và xung quanh bệnh viện. Bệnh viện Al-Shifa cũng là nơi điều trị cho rất nhiều bệnh nhân và nạn nhân xung đột.

Bệnh viện Al-Shifa
Xe cứu thương tập trung trước lối vào phòng cấp cứu của bệnh viện Al-Shifa (Dải Gaza) vào ngày 15-10. Ảnh: AFP

Tòa nhà chính của bệnh viện Al-Shifa đã ngừng hoạt động. Các bác sĩ phải làm việc dưới ánh nến và bọc những đứa trẻ sinh non trong giấy bạc để giữ các con sống sót.

Liên Hợp Quốc cho rằng bệnh viện Al-Shifa đã trở thành "tâm chấn" của cuộc xung đột. Bệnh viện Al-Shifa cũng trở thành tâm điểm trong những bình luận của các quan chức Israel, Palestine những ngày qua.

Theo đó, phía Palestine cho rằng cuộc giao tranh xung quanh bệnh viện Al-Shifa là bằng chứng cho thấy Israel coi thường mạng sống dân thường ở Gaza. Trong khi đó, Israel lấy bệnh viện Al-Shifa làm ví dụ về việc Hamas sử dụng dân thường làm lá chắn sống.

Tầm quan trọng của bệnh viện Al-Shifa

Bệnh viện Al-Shifa nằm ở phía tây TP Gaza (phía bắc Dải Gaza), được xây dựng vào năm 1946. Nơi đây từ lâu đã được coi là xương sống của các dịch vụ y tế trên khắp Dải Gaza.

Ngay từ cuộc xung đột đầu tiên giữa Israel và Hamas vào năm 2008, 2009, Israel đã cáo buộc các thành viên Hamas trú ẩn trong các nhà thờ Hồi giáo, bệnh viện và những nơi dân sự khác để tránh các cuộc tấn công của Israel.

Trong cuộc xung đột Israel-Hamas vào năm 2014, bệnh viện Al-Shifa đã bị tấn công. Khi ấy, các tổ chức viện trợ và y tế đã lên án mạnh mẽ hành vi tấn công này.

Phía Palestine cho rằng Israel là bên đã tấn công bệnh viện, trong khi Israel cho rằng đó là kết quả sau một vụ phóng rocket thất bại của Hamas.

Bệnh viện Al-Shifa thành tâm chấn xung đột Israel-Hamas

Israel nhiều lần tuyên bố Hamas sử dụng bệnh viện Al-Shifa cho mục đích quân sự.

Hồi tháng trước, trả lời báo chí, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel - ông Daniel Hagari cáo buộc Hamas chỉ đạo các cuộc tấn công bằng rocket và những hoạt động khác từ các hầm trú ẩn bên dưới bệnh viện Al-Shifa. Ông Hagari cũng cho rằng các hầm trú ẩn này có liên quan đến mạng lưới đường hầm mà Hamas đã đào bên dưới Gaza.

Vào thời điểm đó, ông Hagari cũng đưa ra bằng chứng cho thấy Hamas đang hoạt động dưới bệnh viện Al-Shifa. Bằng chứng nói trên là một đoạn ghi âm cuộc nói chuyện của 2 người dân Gaza. Trong đó, hai người này thảo luận về việc Hamas đặt trụ sở chính tại bệnh viện Al-Shifa.

Phía Israel cũng tung ra video minh họa “dựa trên tình báo”. Video mô tả cách Hamas sử dụng bệnh viện Al-Shifa làm trụ sở chính. Video hiển thị sơ đồ 3D của bệnh viện, hình ảnh của một mạng lưới đường hầm bên dưới bệnh viện và những phòng phẫu thuật có dấu hiệu bất thường.

Khi ấy, ông Hagari cho rằng nhiều bệnh viện khác ở Gaza cũng được Hamas sử dụng làm căn cứ.

Chứng minh điều này, ngày 13-11, Lực lượng Phòng vệ Israel đã mời giới truyền thông đến thăm bệnh viện nhi Al-Rantisi ở TP Gaza. Theo đó, ông Hagari cáo buộc Hamas dùng một phần tầng hầm bệnh viện làm “trung tâm chỉ huy, kiểm soát” và giam giữ con tin.

Trong khi đó, Palestine, phía Hamas và các nhân viên y tế tại bệnh viện Al-Shifa bác bỏ những lập luận của ông Hagari và lên án cuộc đột kích hôm 15-11 của Israel.

Trả lời CNN, bác sĩ Medhat Abbas - người đứng đầu cơ quan quản lý y tế Dải Gaza - cho biết các bệnh viện ở Gaza “chỉ được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân” và không dùng “để che giấu bất kỳ ai”.

231114135523-02-al-shifa-hospital-explainer.jpg
Bệnh nhân tại bệnh viện Al-Shifa. Ảnh: AP

Ngày 15-11, Bộ trưởng Y tế Palestine - bà Mai Al-Kaila cho rằng cuộc đột kích của Israel vào bệnh viện Al-Shifa là “một tội ác mới chống lại loài người, nhân viên y tế và bệnh nhân”. Bà cũng cảnh báo hành động này có thể gây ra “hậu quả thảm khốc” cho bệnh nhân và nhân viên y tế.

Cùng ngày, phía Hamas đổ lỗi cho Israel và Mỹ về cuộc đột kích. Phía Hamas cho rằng Mỹ đã “bật đèn xanh cho Israel thực hiện nhiều vụ tấn công nhằm vào dân thường” bằng cách sử dụng “câu chuyện sai sự thật” của Israel về việc bệnh viện Al-Shifa.

Chuyện gì đã xảy ra với bệnh viện Al-Shifa?

Vào sáng sớm 15-11, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết đang “thực hiện một chiến dịch chính xác và có mục tiêu chống lại Hamas, tại một khu vực cụ thể trong bệnh viện Al-Shifa”.

Trả lời CNN, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel - ông Peter Lerner cho biết phía Israel đã báo cho ban quản lý bệnh viện, bệnh nhân và dân thường bên trong để ẩn náu. Ông Lerner cho biết theo kế hoạch, phía Israel “tiến hành hoạt động quân sự vào bệnh viện Al-Shifa để phân biệt giữa dân thường và những thành viên Hamas”.

Ông Khaled Abu Samra - bác sĩ tại bệnh viện Al-Shifa - cho biết phía bệnh viện đã nhận được cảnh báo 30 phút trước khi lực lượng Israel tiến vào bệnh viện.

“Chúng tôi được yêu cầu tránh xa cửa sổ và ban công. Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng xe bọc thép, chúng ở rất gần lối vào bệnh viện” - ông Samra nói.

Từ bệnh viện Al-Shifa, nhà báo Khader Al Za'anoun cho biết các binh sĩ Israel “có mặt trong các tòa nhà và các khoa của bệnh viện. Họ tìm kiếm và thẩm vấn các nam thanh niên trong bệnh viện”. Theo nhà báo Za’anoun, lực lượng Israel sử dụng loa phóng thanh để yêu cầu các nam thanh niên trong bệnh viện “giơ tay, bước ra ngoài”.

231114135657-05-al-shifa-hospital-explainer.jpg
Bệnh viện Al-Shifa hôm 7-11. Ảnh: AFP

Việc Israel đột kích bệnh viện Al-Shifa có vi phạm Luật nhân đạo quốc tế?

Luật nhân đạo quốc tế đưa ra những điều không được làm khi chiến tranh xảy ra và tìm cách hạn chế những đau khổ mà dân thường phải hứng chịu. Theo CNN, luật này nhằm bảo vệ dân thường và các yếu tố dân sự, bao gồm nhân viên y tế và cơ sở vật hạ tầng.

Tuy nhiên, sự bảo vệ nói trên không phải là vô điều kiện.

Hôm 14-11, bà Cordula Droege - Giám đốc pháp lý của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế - cho biết: “Các cơ sở dân sự có thể mất đi sự bảo vệ của Luật nhân đạo quốc tế nếu các cơ sở này được sử dụng ngoài mục đích nhân đạo và thực hiện các hành động gây hại cho bên khác”.

Điều này có nghĩa là nếu bệnh viện được dùng để làm nơi che chở cho các nhóm quân sự và cất trữ vũ khí thì nơi đây có thể bị xem như một mục tiêu quân sự.

Theo bà Droege, trong trường hợp bệnh viện là mục tiêu quân sự như đề cập ở trên, đối phương được phép tấn công nhưng bên tấn công phải đưa ra cảnh báo trước khi tiến hành.

Trong ngày 15-11, phía Israel cho biết họ đã cảnh báo trong nhiều tuần rằng việc Hamas “tiếp tục sử dụng bệnh viện Al-Shifa cho mục đích quân sự sẽ gây nguy hiểm cho tình trạng được bảo vệ (theo Luật nhân đạo quốc tế) của bệnh viện này”.

Tuy nhiên, theo bà Droege, điều này không có nghĩa là bên tấn công được toàn quyền phá hủy các cơ sở nói trên. Theo đó, bà Droege cho biết bên tấn công phải đảm bảo tổn hại dự kiến gây ra cho dân thường sẽ không “quá mức”. Các bên cũng phải có biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu thiệt hại dân sự.

Theo CNN, đến thời điểm này, các chuyên gia pháp lý vẫn chưa thống nhất quan điểm về việc Israel đột kích bệnh viện Al-Shifa là có vi phạm Luật nhân đạo quốc tế hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm