Vậy cho tôi hỏi có thật sự cây trứng cá bị cấm trồng trên vỉa hè không? Nếu cố tình trồng cây bị cấm ở nơi công cộng thì có bị xử lý gì không?
Bạn đọc Lê Danh Thi (Quận 6, TP.HCM)
Luật sư Nguyễn Hoàng Anh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Tùy theo tình hình thực tế của mỗi địa phương mà UBND tỉnh nơi đó sẽ ban hành danh mục cây cấm trồng hoặc hạn chế trồng trên địa bàn tỉnh mình.
Tại TP.HCM, UBND TP.HCM đã ban hành danh mục cây cấm trồng trên đường phố thuộc địa bàn TP.HCM bằng Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND ngày 25-11-2013.
Theo đó, có tổng cộng hai mươi tám (28) loài cây bị cấm trồng trên vỉa hè và dải phân cách đường phố tại TP.HCM. Đó là các cây có độc tố gây nguy hiểm cho người, những cây ăn quả, các cây có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường. Tôi đơn cử ra một số loại cây đã bị cấm trồng trên vỉa hè và dải phân cách đường phố tại TP.HCM như: Các loài cây ăn quả (vì cây có quả khuyến khích trẻ em leo trèo, quả rụng ảnh hưởng vệ sinh đường phố); cây bồ kết (vì thân có nhiều gai rất to); cây trúc đào (vì thân và lá có chất độc); dừa (vì quả to, rụng gây nguy hiểm); keo lá tràm (vì cành nhánh giòn, dễ gãy); gòn (vì cành nhánh giòn, dễ gãy; quả chín phát tán ảnh hưởng vệ sinh đường phố). Cây trứng cá cũng nằm trong danh mục cấm trồng vì quả khuyến khích trẻ em leo trèo, quả rụng ảnh hưởng vệ sinh đường phố.
Văn bản trên cũng quy định các tổ chức, cá nhân không được phép trồng mới các cây thuộc danh mục cây cấm trồng trên đường phố. Các cơ quan, đơn vị quản lý cây xanh đô thị có trách nhiệm lập kế hoạch thay thế dần những cây hiện có trên đường phố thuộc danh mục cây cấm trồng. Chắc chắn nhà chức trách đã có nghiên cứu cặn kẽ trước khi đưa ra danh mục các loại cây cấm trồng để không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì thế, bạn nên tuân thủ quy định của pháp luật, không tự ý trồng cây trứng cá trên vỉa hè.
Tại Điều 53 Nghị định 139/2017 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở…) có nêu mức phạt đối với hành vi trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng hoặc cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Theo đó, mức phạt cho hành vi này là phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu nơi đã trồng cây trong danh mục bị cấm trồng.