Vì sao chưa tuyên ông Chấn trắng án?

Nhiều người bất ngờ vì trước khi viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị tái thẩm, cơ quan tố tụng đã xác định được thủ phạm gây án là Lý Nguyễn Chung. Thực tế, công an đã tạm giam Chung về tội giết người và Chung cũng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội nên ông Chấn không liên quan gì đến cái chết của nạn nhân. Với những gì VKS Tối cao đã xác minh trước khi quyết định kháng nghị tái thẩm mà báo chí thông tin, rõ ràng ông Chấn đã bị oan.

Vấn đề là tại sao biết ông Chấn không phạm tội nhưng Hội đồng Thẩm phán không tuyên hủy các bản án và đình chỉ vụ án mà lại hủy các bản án để điều tra lại, kéo dài thêm thân phận bị can của ông? Bởi trong quy định của BLTTHS, Hội đồng Thẩm phán khi xét xử tái thẩm nếu có căn cứ cho rằng người bị kết án không phạm tội thì có quyền hủy bản án hoặc quyết định và đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, thực tiễn và lý luận còn những điều lợn cợn nên Hội đồng Thẩm phán không thể tuyên ngay ông Chấn trắng án.

Nếu cho rằng kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao chỉ đề nghị hủy án để điều tra lại vì chưa thể kết luận ông Chấn có tội hay không nên Hội đồng Thẩm phán chỉ hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại thì chưa thuyết phục.

Còn giả thiết rằng kháng nghị của viện trưởng VKS Tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm và đình chỉ vụ án thì Hội đồng Thẩm phán cũng không thể hủy bản án và đình chỉ vụ án, tuyên bố ngay ông Chấn không phạm tội.

Vướng mắc trên là do quy định của BLTTHS về thủ tục tái thẩm không đầy đủ, không rõ ràng. Bởi BLTTHS chỉ mới quy định phạm vi giám đốc thẩm mà lại không quy định phạm vi tái thẩm. Nếu Hội đồng Thẩm phán hủy bản án và đình chỉ vụ án, trong khi kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao chỉ đề nghị hủy án để điều tra lại thì Hội đồng Thẩm phán đã vi phạm phạm vi tái thẩm. Dù BLTTHS cho phép Hội đồng Tái thẩm có quyền hủy bản án hoặc quyết định và đình chỉ vụ án nhưng lại không nêu căn cứ vào quy định nào để hủy. Trong khi đó BLTTHS lại quy định Hội đồng Giám đốc thẩm hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án, nếu có một trong những căn cứ quy định tại Điều 107 của BLTTHS. Thực tiễn giám đốc thẩm và tái thẩm chưa có trường hợp nào hủy bản án hoặc quyết định và đình chỉ vụ án, mặc dù biết rõ người bị kết án không phạm tội mà chỉ hủy bản án để điều tra lại. Sau đó, cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can.

Bản chất của giám đốc thẩm và tái thẩm là “phá án”. Nếu bản án hoặc quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có sai lầm nghiêm trọng thì “phá bỏ” để giải quyết lại. Do đó, Hội đồng giám đốc thẩm hoặc tái thẩm chỉ hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại. Hội đồng chỉ đình chỉ vụ án trong các trường hợp: “Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; tội phạm đã được đại xá; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết”, vì các trường hợp này không cần phải đánh giá chứng cứ. Còn các trường hợp: “Không có sự việc phạm tội; hành vi không cấu thành tội phạm; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự” thì Hội đồng giám đốc thẩm hoặc tái thẩm phải giao xét xử lại hoặc điều tra lại.

Hy vọng lần sửa đổi, bổ sung BLTTHS sắp tới, thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm sẽ được quy định đầy đủ, rõ ràng chi tiết hơn, phản ánh đúng bản chất của thủ tục đặc biệt này là chỉ “phá án”.

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm