Vì sao có hiện tượng người chăn nuôi phải tiêu hủy gà con?

(PLO)-Theo Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, đây là giải pháp thường được người chăn nuôi chọn khi thị trường ảm đạm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Vì sao có hiện tượng người chăn nuôi phải tiêu hủy gà con?

Tại một số chợ truyền thống và vựa bán trứng gia cầm, nhiều người mua bất ngờ khi giá trứng gà rất rẻ chỉ 17.000-18.000 đồng/chục với kích cỡ nhỏ nhất, giá cao nhất 23.000-25.000 đồng/chục. Trứng vịt 26.000-35.000 đồng/chục.

Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho biết, thời gian qua giá thức ăn chăn nuôi tăng cao lên đến 30%, chưa kể các chi phí khác tăng. Tuy nhiên, người chăn nuôi phải bán dưới giá thành sản xuất nên "vô cùng căng thẳng”.

Hiện nay người chăn nuôi đang chủ động giảm đàn, thậm chí có hiện tượng "buộc tiêu hủy gà con". Đây là giải pháp thường được chọn khi thị trường ảm đạm.

Ông Quyết giải thích, thông thường sau khi trứng giống ấp ra gà con sẽ được bán cho người chăn nuôi. Trong tình hình giá nguyên liệu tăng cao, sức mua thấp nếu ấp trứng giống ra gà sẽ tốn nhiều chi phí. Do đó, những mẻ trứng giống đang ấp sau khi ra gà con, người chăn nuôi mang đi tiêu hủy.

Những mẻ trứng giống chưa ấp, người chăn nuôi sẽ lưu trữ lại nhưng phải tuân thủ theo thời gian quy định. Nếu quá thời hạn, trứng giống phải tiêu hủy vì kết quả nuôi sẽ cho ra gà con không đảm bảo tiêu chuẩn, gà chậm lớn, nhiều bệnh…Vì vậy, người chăn nuôi chuyển từ trứng gà giống sang trứng gà thương phẩm bán ra thị trường để vớt vát.

“Ví dụ trứng gà giống giá trị 6.000 đồng/quả, nếu chuyển sang làm trứng gà thương phẩm bán 1.700-1.800 đồng/quả, người chăn nuôi vẫn được một ít tiền so với ấp ra gà con rồi đem đi đốt, mất cả chì lần chài”- ông Quyết nói.

Trứng gà, vịt đang bày bán ở một số điểm bán có giá rẻ. ẢNH TÚ UYÊN

Trứng gà, vịt đang bày bán ở một số điểm bán có giá rẻ. ẢNH TÚ UYÊN

Cũng ông Quyết, giá cả lên xuống là quy luật bình thường chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, thịt, trứng gia cầm rơi vào cảnh rớt giá từ cuối năm 2022 đến nay là quá dài, người chăn nuôi đang điêu đứng.

Cụ thể, với kênh chăn nuôi gia công, kế hoạch thả, bắt “không giống ai” nên chất lượng sản phẩm không tốt. Vì vậy, thu nhập người gia công bấp bênh.

Đối với những người chăn nuôi vừa và nhỏ phải vay vốn ngân hàng làm các trang trại cho thuê không có tiền trả ngân hàng “chết “hẳn do không thể cầm cự. Kênh chăn nuôi theo chuỗi được xem là an toàn nhưng cũng bị ảnh hưởng vì phải giảm đàn.

Riêng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng lỗ nhưng ít hơn vì họ chủ động được con giống, thức ăn chăn nuôi.

Theo ông Quyết, để ngành chăn nuôi gia cầm phục hồi phục thuộc vào sự vực dậy của nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, khi có thu nhập mới kích cầu được tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng hàng rào kỹ thuật với hàng nhập khẩu chính ngạch, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu tiểu ngạch.

Đặc biệt, hiệp hội đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ để hỗ trợ người chăn nuôi tiếp tục vượt qua khó khăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm