Vì sao có loại xoài bán được giá 100-200 USD?

(PLO)- Nếu người trồng tìm hiểu nghiên cứu, đáp ứng các yêu cầu khắt khe bài bản sẽ nâng giá trị hàng hóa lên rất cao so với cách sản xuất bình thường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 30-6, Sở Công Thương TP.HCM, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, tỉnh Hậu Giang tổ chức Chương trình kết nối giao thương đưa sản phẩm đặc trưng, thế mạnh tỉnh Đắk Nông, tỉnh Hậu Giang vào tiêu thụ tại các siêu thị TP.HCM.

Chen chân vào siêu thị không đơn giản

Tại hội nghị, các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đã mang những mặt hàng là thế mạnh của tỉnh đến quảng bá như cá thác lác rút xương, cà phê, hạt mắc ca, rau củ, mật ong, các sản phẩm OCOP, hữu cơ…

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, qua sản phẩm trưng bày cho thấy các đơn vị đã nâng cao chất lượng hơn số lượng, phù hợp mục tiêu của hội nghị.

Với vai trò nhiệm vụ kết nối hỗ trợ đưa hàng hóa từ các tỉnh vào siêu thị TP.HCM, ông Phương chia sẻ thêm, thị trường TP.HCM lớn nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người cũng cao nhất nước nên có sức mua rất lớn.

Đơn cử, khi đi các địa phương tìm hiểu nguồn hàng, năng lực cung ứng có một địa phương giới thiệu tổng đàn heo khoảng 250.000 con.

“TP.HCM tiêu thụ 10.000 con heo/ngày, chỉ trong ba tuần là có thể tiêu thụ hết đàn heo trên. Với thị trường lớn như vậy, để DN chen chân vào hệ thống phân phối của TP.HCM không đơn giản” - ông Phương nói.

Các đại diện địa phương, sở ngành tại chương trình

Các đại diện địa phương, sở ngành tại chương trình

Ông Phương dẫn chứng, thực tế có DN TP.HCM muốn mua một container bưởi da xanh/ngày để xuất khẩu phải giao dịch với hàng trăm nhà vườn ở các tỉnh.

Bên cạnh đó, với 100 tấn bưởi nhưng tìm được sản phẩm đồng nhất kích cỡ, chất lượng như nhau khó vô cùng.

"Vừa rồi vào mùa xoài, xoài cát Hòa Lộc vận chuyển đến TP.HCM chỉ 25.000 đồng/kg trong khi có những vỉ xoài hai trái, bốn trái xuất khẩu giá 100- 200USD là bình thường. Điều này cho thấy thị trường quyết định và chấp nhận giá đó với điều kiện hết sức ngặt nghèo.

Chẳng hạn, bên cạnh xoài vừa đảm bảo chất lượng đồng nhất, kích cỡ đồng nhất thì từ khi hái xuống đến quầy kệ siêu thị ở nước ngoài tối đa 48-72 giờ. Nếu vượt quá giờ này, xoài sẽ mất giá và vẫn có DN đã làm được” - ông Phương chia sẻ.

Nếu người trồng tìm hiểu nghiên cứu, đáp ứng các yêu cầu khắt khe bài bản sẽ nâng giá trị hàng hóa lên rất cao so với cách sản xuất bình thường.

Đối với kênh phân phối, ông Phương cho biết thành phố có thế mạnh là hệ thống hiện đại. Tuy nhiên, khi DN đầu tư một siêu thị rất khó khăn vì đất chật người đông. Xây dựng xong tìm được nguồn hàng đưa lên quầy kệ DN phải lựa chọn hàng hóa bán chạy nhất, người tiêu dùng ưa chuộng nhất, doanh số tốt nhất.

Như vậy, khi HTX chen chân, kết nối đưa hàng hóa vào, siêu thị muốn nhận hàng của một nhà cung cấp (NCC) mới họ phải bỏ ra một sản phẩm khác để có chỗ trống. Khi thực hiện, họ phải đắn đo quyết định nên lựa chọn hàng hóa nào ít ra sản phẩm đó đã có “lịch sử” thử thách với thị trường.

Bên cạnh đó, siêu thị có những điều kiện khá khắt khe về thương hiệu, mẫu mã, bao bì, chất lượng, giao hàng, cách thức giao hàng, cách thức thanh toán...

Chẳng hạn, có những siêu thị yêu cầu hàng hóa được giao lúc 2-3giờ sáng, có những siêu thị 3-6 tháng mới thanh toán tiền. Vì vậy, nhà cung cấp phải tính toán, có giải pháp đầu tư sản xuất phù hợp với cách thức vận hành của siêu thị.

Đại diện các nhà bán lẻ TP.HCM xem xét sản phẩm bơ 034 của HTX Đồng Lợi. ẢNH: TÚ UYÊN

Đại diện các nhà bán lẻ TP.HCM xem xét sản phẩm bơ 034 của HTX Đồng Lợi. ẢNH: TÚ UYÊN

Nông dân cần được siêu thị đặt hàng tiêu chuẩn chất lượng

Ông Võ Đình Nguyên, Chủ nhiệm HTX Đồng Lợi-Đắk Nông (sản xuất bơ 034) đến hội nghị với mong muốn đưa bơ vào siêu thị TP.HCM.

Theo ông Nguyên, ở góc độ người nông dân lo nếu sản xuất theo tiêu chuẩn không biết có ai mua cho mình không. Ví dụ HTX trồng bơ theo chứng chỉ A nhưng có khách hàng mua không cần chứng chỉ đó.

“Mong làm sao giữa siêu thị, người nông dân có sự kết nối thông tin, nhu cầu đang cần sản phẩm có tiêu chuẩn, chất lượng như thế nào để người trồng đáp ứng” - ông Nguyên nói.

Bà Nguyễn Kim Ngoan, Giám đốc HTX Kim Ngoan (đặc sản Hậu Giang) cho biết, sản phẩm của HTX đạt vệ sinh an toàn thực phẩm và đang làm hồ sơ đăng kí chứng nhận OCOP.

“Chúng tôi không lo ngại yêu cầu của siêu thị về chất lượng. Tuy nhiên, công nợ siêu thị kéo dài đến 45 ngày thì các HTX không có nguồn vốn để xoay sở, mong là thời gian này ngắn lại. HTX muốn có đầu ra ổn định mới yên tâm sản xuất” - bà Ngoan nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm