Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp 6, sáng 30-10, Quốc hội (QH) thảo luận việc triển khai các nghị quyết của QH về ba chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Cần phải thoát nghèo thực chất, bền vững
Sau khi nghe báo cáo giám sát của Đoàn Giám sát của QH, đại biểu (ĐB) Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho biết cần đánh giá đúng thực trạng việc giảm nghèo hiện nay đã thực chất hay chưa.
Bởi theo ông, nhiều địa phương chỉ vì chỉ tiêu phấn đấu theo nghị quyết, theo kế hoạch hàng năm nên đã vận động, thậm chí có nhiều cách làm với mục tiêu là giảm được số lượng hộ nghèo, trong khi chất lượng giảm nghèo và hộ thoát ngoài một cách bền vững chưa được đánh giá thực chất.
Cùng vấn đề này, ĐB Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đánh giá việc chạy theo thành tích để đạt chuẩn nông thôn mới là điều cần phải tránh, các tiêu chí phải đảm bảo, khi nào đạt thì mới công nhận.
Theo ông, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương nào có quan tâm đầu tư trọng tâm, trọng điểm và bền vững thì mức hộ nghèo, cận nghèo giảm xuống rõ rệt…
"Tuy nhiên, qua giám sát đã phát hiện có tình trạng hộ nghèo, cận nghèo không muốn thoát nghèo, vì thoát nghèo thì không còn hưởng chính sách của nhà nước”- ĐB Hoà nói.
Từ đó, ông Hòa cho rằng việc giáo dục nhận thức, tuyên truyền là điều kiện cần, để mọi người có ý thức chung, cùng vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách an sinh xã hội. Có như vậy, việc thoát nghèo mới bền vững, hạn chế mức thấp nhất nguy cơ tái nghèo trong khi nguồn vốn của Nhà nước, nguồn vốn khác là hữu hạn.
Giải ngân tuyên truyền cao nhưng dân nghèo tiếp cận thông tin thấp
ĐB Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho biết theo báo cáo việc giải ngân cho công tác tuyên truyền, tập huấn đạt tỉ lệ khá cao so với nhiều nội dung khác. Tuy nhiên thực tế người dân, nhất là người nghèo đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ của mình thì không đạt như mong muốn.
Theo ĐB Minh, việc này có nhiều nguyên nhân, trong đó có khâu cán bộ cơ sở hướng dẫn thực hiện chưa được chủ động, cán bộ làm chính sách hay thay đổi…
Từ đó, vị ĐB tỉnh Quảng Bình đề nghị thời gian tới cần tập trung chỉ đạo nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền đến tận người dân, nhất là người nghèo vùng dân tộc thiểu số. Bởi khi người dân nắm được, hiểu được và đồng tình với chủ trương, chính sách thì tâm lý trông chờ, ỉ lại sẽ ít đi, hiệu quả mang lại mới thực sự bền vững, lâu dài.
“Ý thức, ý chí vươn lên của người dân đóng vai trò rất quan trọng” - ông Minh nói.
Tương tự, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) cho rằng quan trọng nhất là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo và ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xảy đến. Sự hỗ trợ của cộng đồng, của các chương trình mục tiêu và các chính sách của nhà nước chỉ có ý nghĩa khi các chủ thể có ý thức vươn lên.
“Tại sao trong cùng một điều kiện, khu vực, hoàn cảnh mà có người vươn lên thoát nghèo, có người cứ khó khăn mãi và chỉ mong được là hộ nghèo. Và tại sao có những người thoát nghèo thì buồn mà được trở lại hộ nghèo thì vui?” - ông Nghĩa đặt câu hỏi và cho rằng lý do là bởi một bộ phận người dân chỉ quan tâm đến các chính sách hỗ trợ.
"Tôi nghĩ phải có sự thay đổi rất cơ bản về mặt nhận thức của những đối tượng được hưởng thụ chính sách này" - ông Nghĩa bày tỏ và cho biết để làm được điều này thì truyền thông chính sách đóng vai trò quan trọng không kém.
Theo ông Nghĩa, truyền thông giảm nghèo của chúng ta phải thay đổi. "Đọc trong tài liệu này, chúng tôi rất buồn là thấy truyền thông về giáo dục phát triển nghề nghiệp công bố, trong năm qua đã làm được một phóng sự, tám bài trên bốn báo điện tử. Số lượng nhỏ bé lọt thỏm như thế này thì làm sao thúc đẩy được ai, một sự nhỏ lẻ như thế này thì làm sao thúc đẩy được. Chưa kể những tác phẩm này có đến được với người nghèo hay không, đến với được đúng đối tượng hay không" - ông Nghĩa nói.
Căn cơ là cách làm và chất lượng các chương trình
Phát biểu tranh luận, ĐB Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) bàn về nhận thức của người dân đối với ba Chương trình mục tiêu quốc gia.
Mặc dù đánh giá cao cả ba chương trình này nhưng ông Hạ cho rằng nguyên nhân căn cơ mà người dân chưa muốn thoát nghèo là cách làm và chất lượng của các Chương trình chưa có sự bền vững, tính bền vững chưa cao cả trước mắt và lâu dài. Do đó, người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo, hết chương trình, hết dự án thì “nghèo lại hoàn nghèo”.
Vì vậy, ĐB Tạ Văn Hạ đề nghị cần quan tâm đến cách làm và chất lượng của các chương trình, phải đảm bảo mang tính bền vững cao, đây mới là căn cơ.