Theo Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch phát triển nhà ở TP giai đoạn 2021-2025, chỉ tiêu diện tích sàn nhà ở tăng thêm giai đoạn 2021-2025 mà TP đặt ra là 50 triệu m2 sàn.
Trong đó, nhà ở thương mại 15,5 triệu m2 sàn, nhà ở riêng lẻ tự xây dựng của hộ gia đình 32 triệu m2 sàn, nhà ở xã hội 2,5 triệu m2 sàn. Chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người của TP đến năm 2025 đạt 23,5 m2/người. Tuy nhiên, các chỉ tiêu được đặt ra đến thời điểm này đều đạt rất thấp.
Diện tích xây dựng nhà ở chưa đạt đến 43% chỉ tiêu
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, bốn tháng tháng đầu năm 2024, TP đã xây dựng mới 1,73 triệu m2 sàn nhà ở, đạt 21,6% chỉ tiêu đề ra trong năm 2024 là 8 triệu m2 sàn.
Trong đó, nhà ở riêng lẻ 1,18 triệu m2 sàn, nhà ở thương mại 532.545 m2 sàn, nhà ở xã hội 14.099,95 m2 sàn. Nhà ở riêng lẻ do dân tự xây vẫn chiếm tỉ trọng lớn 68,4% so với tổng diện tích sàn tăng thêm, nhà ở hoàn thành trong các dự án chiếm khoảng 31,6%.
Như vậy, tính từ đầu nhiệm kỳ 2021 đến tháng 4-2024, tổng diện tích xây dựng mới đạt 21,456 triệu m2/50 triệu m2, chỉ đạt 42,9% chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nhà ở thương mại đạt 38,3% so với chỉ tiêu đề ra; nhà ở riêng lẻ do dân tự xây phát triển đạt 48,45%; nhà ở xã hội chỉ đạt 3,02%. Diện tích nhà ở bình quân tính đến tháng 4 của TP đạt 21,85 m2/người.
Nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ
Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP.HCM, việc thực hiện phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2025 còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, lĩnh vực nhà ở chịu sự điều chỉnh, chi phối của rất nhiều Luật khác nhau như Đầu tư, Quy hoạch đô thị, Đất đai, Nhà ở, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản... nhưng các Luật này chưa có sự thống nhất, đồng bộ. Thậm chí, một số nội dung còn chồng chéo dẫn đến tình trạng xung đột khi áp dụng các quy định pháp luật. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý.
Ngoài ra, Chính phủ kiểm soát chặt kênh tín dụng, ngân hàng, trái phiếu, cũng như việc tăng lãi suất huy động trong năm 2022 đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, người dân không tiếp cận được vốn vay, thanh khoản thị trường xuống thấp.
Nguồn vốn đầu tư công trung hạn của TP không đủ để phân bổ cho các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân cũng là một điểm khó khăn mà hiện nay TP.HCM đang gặp phải.
Hơn nữa, công tác xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính phát sinh và rà soát các nghĩa vụ khác có liên quan khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở cho người dân, doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc, chưa được tháo gỡ kịp thời.
Nguồn vốn đầu tư công trung hạn của TP không đủ phân bổ cho công tác ghi vốn để thực hiện công tác kiểm định, sửa chữa chung cư cũ, chỉ dành cho công tác di dời khẩn cấp, tạm cư các hộ dân sống trong chung cư hư hỏng nặng có nguy cơ sụp đổ.
Chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội trong thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể là các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp.
"Ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500... như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội còn phải thực hiện thêm các thủ tục như thẩm định giá bán, xác nhận đối tượng mua, thuê mua, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức... Do đó, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia" - báo cáo từ Sở Xây dựng TP.HCM nêu rõ.
Thực hiện nhiều giải pháp để tăng diện tích xây dựng nhà ở
Từ những khó khăn trên, Sở Xây dựng TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ. Cụ thể là đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giải quyết hồ sơ, cách thức làm việc giữa các đơn vị, phân nhóm giải quyết các thủ tục đầu tư thuộc trách nhiệm của Văn phòng UBND TP, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức.
"Cần đẩy nhanh công tác xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất các dự án bất động sản. Tháo bỏ vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở cho các nhà đầu tư thực hiện dự án và cho người dân đã mua nhà trong các dự án nhà ở.
Bên cạnh đó là tiếp tục kiến nghị với Trung ương các chính sách để tháo gỡ vướng mắc của thị trường nhà ở thông qua cơ chế Tổ Công tác của Chính phủ và thông qua việc góp ý các quy định đang sửa đổi và nghiên cứu, gồm Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội... " - Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị giải pháp.