Vì sao doanh nghiệp đóng cửa nhiều hơn thành lập mới?

(PLO)- Chuyên gia cho rằng, các cơ quan, Bộ, ngành cần quan tâm đến doanh nghiệp trong nước hơn nữa thì mới có thể củng cố được giá trị nội lực
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dù tình hình kinh tế 3 tháng đầu năm của cả nước có những tín hiệu tích cực so với cùng kỳ 2022, song, theo chuyên gia, vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29-3, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn rất nhiều so với 19,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới).

Như vậy, số doanh nghiệp rút lui và tạm thời rút lui khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm 2023 là 51,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có 25,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho rằng con số này đang đi ngược với xu hướng thông thường vì đáng lẽ doanh nghiệp thành lập mới bao giờ cũng nhiều hơn doanh nghiệp tạm dừng đóng cửa khoảng 1,7 – 1,9 lần (tùy từng giai đoạn).

Bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, các cơ quan cần lắng nghe và giải quyết các vấn đề cụ thể của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước. ẢNH: MINH TRÚC

Bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, các cơ quan cần lắng nghe và giải quyết các vấn đề cụ thể của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước. ẢNH: MINH TRÚC

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm nay, số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động gấp 1,36 lần so với số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Điều đó cho thấy rủi ro và thách thức đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rất lớn.

Bên cạnh yếu tố tác động của thị trường bên ngoài, theo bà Thảo, yếu tố về nội lực doanh nghiệp và yếu tố thể chế chính sách bên trong cũng tạo nên những bất cập, rào cản dẫn tới sụt giảm niềm tin của doanh nghiệp. Chính vì vậy, kết quả là tình trạng rất nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.

Đây là một trong những chỉ số cảnh báo các cơ quan hoạch định chính sách phải có sự thận trọng hơn trong việc đưa ra chính sách, để chính sách đảm bảo thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, củng cố lại niềm tin cho doanh nghiệp.

So sánh giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, bà Thảo cho rằng, Việt Nam có nền pháp lý chung thống nhất cho 2 loại hình doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, trong thực thi của chúng ta bao giờ cũng thể hiện sự quan tâm nhiều hơn tới khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước ở vị thế yếu hơn, với quy mô vốn rất nhỏ bé, hoạt động kinh doanh khiêm tốn.

Chính vì vậy khi có vấn đề khó khăn của doanh nghiệp trong nước thì vấn đề này thường chậm giải quyết hơn so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

“Chúng ta chưa quan tâm đến doanh nghiệp trong nước thì chúng ta không thể củng cố được nội lực. Đây chính là một câu chuyện, một bài học để các bộ, ngành địa phương cần phải chú trọng hơn, biết lắng nghe hơn và giải quyết các vấn đề cụ thể của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước”, bà Thảo chia sẻ.

Đồng thời bà Thảo cũng nhấn mạnh yêu cầu cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng các doanh nghiệp trong nước so với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

“Chúng ta thường có sự ưu ái hơn trong hành động, mặc dù nền pháp lý của chúng ta không có sự phân biệt nhưng trong hành động luôn có xu hướng quan tâm hơn và mong muốn giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp nước ngoài kịp thời hơn so với các doanh nghiệp trong nước”, bà Thảo nhấn mạnh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm