Sáng 5-12, HĐND TP Hà Nội đã tiến hành chất vấn về tình hình và kết quả công tác quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên địa bàn TP.
Một trong những nội dung được các đại biểu (ĐB) quan tâm là việc quản lý quy hoạch hai bên tuyến đường mới mở.
ĐB Hoàng Thúy Hằng (Thường Tín) dẫn quy định của Luật thủ đô (có hiệu lực từ tháng 7-2013) đã cho Hà Nội một cơ chế đặc thù, đó là khi giải phóng tuyến đường mới thì có thể nghiên cứu giải phóng hai bên đường (tính từ chỉ giới đó) 50-100 m để tránh tình trạng xây dựng lộn xộn, đảm bảo kiến trúc cảnh quan.
Đại biểu HĐND TP Hà Nội Hoàng Thuý Hằng.
“Tuy nhiên, hiện nay công tác lập quy hoạch chi tiết hai bên các tuyến đường mới mở còn hạn chế. Nhiều tuyến đường được xác định thời gian hoàn thành lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường trong năm 2017-2018 nhưng đến nay chưa được phê duyệt. Nguyên nhân do đâu? Trách nhiệm thuộc về cấp, ngành nào? Sở QH-KT có giải pháp nào cho vấn đề này?” - ĐB Hằng đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết Hà Nội sẽ chỉ quy hoạch chi tiết để giải phóng mặt bằng 50-100 m hai bên tuyến đường mới mở đối với tuyến đường đủ điều kiện và cần thiết.
Chưa đồng tình, ĐB Hằng tranh luận lại: “Vậy tiêu chí nào để phân loại là tuyến đường đó cần thiết hay không? Nếu không có tiêu chí sẽ dẫn đến sự tùy tiện trong việc lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường mới mở. Hiện nhiều tuyến đường đang rất cần lập quy hoạch chi tiết, nếu không tình trạng xây dựng sẽ rất lộn xộn”.
Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trúc Anh cho hay TP Hà Nội đã có ba văn bản chỉ đạo, trong đó có đưa ra các tiêu chí chi tiết cụ thể.
Theo đó, đối với các tuyến đường mới mở qua khu vực còn nhiều quỹ đất thì sẽ thực hiện lập quy hoạch chi tiết hai bên, còn đối với các tuyến đường người dân đã ở ổn định thì khó thực hiện, vì vậy chỉ chỉnh trang lại chứ không lập quy hoạch chi tiết.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ mạnh dạn đề nghị loại bỏ quy hoạch chi tiết hai bên đường mới mở qua khu dân cư, không còn quỹ đất vì khó thực hiện các quy hoạch này. Thay vào đó chúng ta dùng các công cụ khác, chẳng hạn như quy chế kiến trúc… để quản lý” - ông Anh nói.
Nhà máy, công xưởng chậm di dời khỏi nội đô do thiếu tiền Cũng tại phiên chất vấn sáng 5-12, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông cho biết Hà Nội đã xử lý triệt để 25 cơ sở ô nhiễm môi trường, di dời 67 cơ sở sản xuất của trung ương và Hà Nội ra các khu, cụm công nghiệp ngoại thành hoặc tỉnh lân cận. Tuy nhiên, theo ông Đông, việc di dời các cơ sở sản xuất còn lại ra khỏi nội đô đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên là các chính sách, cơ chế di dời Thủ tướng đã giao cho các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng chưa được ban hành nên chưa có cơ chế để tiến hành. “Khó khăn nữa là tâm lý các doanh nghiệp ngại ra ngoài ngoại thành cũng như các tỉnh lân cận do liên quan đến người lao động, di chuyển xa. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất là hạn chế về năng lực tài chính, khi di chuyển phải có địa điểm mới, kinh phí đầu tư nâng cao dây chuyền sản xuất công nghệ để đảm bảo sản xuất cũng như giải quyết lao động việc làm với người lao động” - ông Đông nói. |