Hàng loạt lãnh đạo cấp cao tại các ngân hàng (NH) phải từ chức hoặc phải từ bỏ chức vụ chủ chốt tại các tập đoàn, tổng công ty. Đây cũng là một trong những vấn đề nóng nhất tại mùa đại hội cổ đông ngành NH năm nay.
Ghế nóng tiếp tục đổi chủ
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2018 tổ chức ngày 25-4, ông Vũ Văn Tiền đã quyết định rời vị trí chủ tịch HĐQT NH An Bình (ABBank). Thời gian qua cùng với vị trí trên ABBank, ông Vũ Văn Tiền còn nắm giữ vị trí lãnh đạo ở nhiều công ty khác như chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco, chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình, chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xi măng Thăng Long… Cuối cùng ông Tiền chọn làm lãnh đạo doanh nghiệp (DN) thay vì làm sếp NH.
Thực ra ông Tiền phải rời vị trí lãnh đạo tại NH trên để tiếp tục đảm nhận vị trí lãnh đạo tại các DN khác vì Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15-1-2018 quy định: Chủ tịch HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc của tổ chức tín dụng không được đồng thời là chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của DN khác.
Quy định này cũng là lý do khiến thời gian gần đây hàng loạt lãnh đạo NH buộc phải lựa chọn: Hoặc là ở lại với NH hoặc phải chuyển về DN. Đơn cử ông Võ Quốc Thắng vừa quyết định rời ghế chủ tịch HĐQT NH Kiên Long (Kienlongbank) để làm chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm. Điều này có nghĩa sau hơn năm năm với vai trò là chủ tịch Kienlongbank, bầu Thắng đành chia tay ngành NH.
Làn sóng thay đổi lãnh đạo chủ chốt tại nhiều ngân hàng và tập đoàn đang diễn ra rất mạnh. Trong ảnh (từ trái qua): Ông Võ Quốc Thắng, ông Dương Công Minh và ông Đỗ Quang Hiển.
Nói về quyết định chia tay NH Kienlongbank, ông Võ Quốc Thắng cho biết: “Tôi tin tưởng quyết định của mình là hài hòa nhất trong điều kiện thực tế hiện nay. Tuy không tiếp tục tham gia quản trị nhưng tôi rất sẵn lòng sắp xếp thời gian để tư vấn, hỗ trợ, chia sẻ với HĐQT, ban điều hành và cán bộ, nhân viên Kienlongbank”.
Để giữ chiếc ghế chủ tịch HĐQT NH Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ông Dương Công Minh cũng vừa từ chức các chức danh chủ tịch HĐQT tại bốn công ty gồm Him Lam, Dụng cụ thể thao Bảo Long, Phát triển Xín Mần và Chứng khoán Liên Việt. Bên lề đại hội cổ đông Sacombank vừa diễn ra, ông Dương Công Minh chia sẻ: “Phải nói thật là đến thời điểm hiện tại tôi mới xác định 100% là mình sẽ gắn bó với Sacombank, chứ còn trước đó trong thâm tâm vẫn không biết là mình sẽ ở lại bao lâu hay sẽ sớm ra đi”.
Ngược lại, ông Đỗ Quang Hiển cũng chấp nhận rời bỏ vị trí chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bất động sản T&T để ở lại với NH SHB. Chia sẻ với báo chí về việc từ bỏ các chức danh chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc của các DN để chọn NH, ông Hiển nói: “Đúng là tôi đã nhiều năm giữ vị trí chủ tịch HĐQT hay tổng giám đốc các công ty nhưng thực ra tôi lại không có nhiều thời gian để dành cho nó bởi 80%-90% thời gian tôi dành để quản trị hệ thống NH”.
Sẽ còn nhiều sếp ngân hàng ra đi
Đến nay Luật Các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực được gần ba tháng nhưng vẫn còn nhiều người cùng lúc kiêm nhiệm chức vụ cao tại cả NH lẫn DN khác. Ví dụ, bà Nguyễn Thị Nga là chủ tịch SeABank, chủ tịch của BRG Group và đồng thời là chủ tịch, thành viên HĐQT của hàng loạt công ty khác; bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện là tổng giám đốc của VietJet Air và là phó chủ tịch HĐQT của HDBank…
Do đó, chắc chắn thời gian tới sẽ có thêm nhiều lãnh đạo đang nắm giữ cùng lúc các chức vụ hàng đầu tại các tập đoàn, tổng công ty, NH phải từ chức một hoặc hàng loạt vị trí quan trọng của mình. Nói thêm về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, nhấn mạnh: Luật Các tổ chức tín dụng quy định chủ tịch HĐQT phải lựa chọn ở lại với NH hoặc chuyển hẳn sang DN trên nguyên tắc sẽ giúp giảm sở hữu chéo, giảm việc lãnh đạo NH bị chi phối về thời gian và năng lực để quản trị nhiều công ty.
Tuy nhiên, theo TS Hiếu, để quy định trên phát huy hiệu quả thì các cơ quan chức năng cần có sự truy xét, theo dõi thường xuyên để bảo đảm những vị lãnh đạo sau khi đã chọn ở lại với NH hoặc DN không còn ảnh hưởng hay nắm quyền kiểm soát với bên còn lại thông qua người đứng mũi chịu sào trên danh nghĩa. Bởi thực tế cho thấy không ít trường hợp dù không trực tiếp nắm giữ các chức vụ chủ chốt tại NH nhưng họ vẫn đóng vai trò là ông chủ thực sự chi phối tại tổ chức tín dụng này.
Đồng quan điểm, một chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng việc một cá nhân đồng thời nắm quyền chi phối tại cả tổ chức tín dụng và đối tượng cho vay sẽ gây xung đột lợi ích lớn. Do vậy cần thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước. “Quy định của Luật Các tổ chức tín dụng là phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế, qua đó nhằm phòng ngừa rủi ro cho hệ thống NH. Quy định này cũng sẽ hạn chế được tình trạng sở hữu chéo tại các NH, giúp các NH hoạt động một cách minh bạch, an toàn hơn, giảm thiểu tình trạng cho vay sân sau” - một chuyên gia nhấn mạnh.
Hai năm chưa tìm được người ngồi vào ghế nóng Ngày 20-4, đại hội cổ đông Sacombank đã thông qua việc miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với ông Kiều Hữu Dũng và bầu bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc, làm thành viên HĐQT; bầu ông Nguyễn Văn Huynh làm thành viên HĐQT độc lập. LienVietPostBank cũng đã thay đổi HĐQT và Ban kiểm soát. Theo đó, tân chủ tịch HĐQT của NH này là ông Nguyễn Đình Thắng, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT. Trước đó, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, ông Nguyễn Đức Hưởng, đã có đơn xin rời ghế nóng vì tình hình sức khỏe. NH Kienlongbank vừa bổ nhiệm bà Trần Tuấn Anh làm tổng giám đốc từ vị trí phó tổng giám đốc. Đại hội cổ đông NH BIDV đã thống nhất bầu bổ sung ông Phạm Quang Tùng vào HĐQT. Riêng vị trí của ghế nóng chủ tịch HĐQT của NH này tiếp tục bị bỏ trống gần hai năm nay kể từ khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu hồi tháng 9-2016. Từ đó tới nay, ông Trần Anh Tuấn được bổ nhiệm phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT và thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch HĐQT. |