Sau một thời gian đổ bộ vào Việt Nam (VN) dưới nhiều hình thức như mở các chi nhánh, văn phòng đại diện, 100% vốn nước ngoài…, gần đây nhiều ngân hàng (NH) nước ngoài rút vốn hoặc nhường lại cổ phần cho nhà đầu tư trong nước. Điều này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi.
Chấm dứt “duyên nợ” sau nhiều năm gắn bó
NH Phương Đông (OCB) vừa thông báo cổ đông ngoại BNP Paribas (Pháp) nắm giữ hơn 74 triệu cổ phiếu, tương đương 18,68% vốn điều lệ, không còn là cổ đông của OCB. Đây là cuộc chia tay sau khoảng 10 năm gắn bó của hai NH này.
Trước đó không lâu, Trung tâm Lưu ký chứng khoán VN chính thức thông báo hai cổ đông lớn nhất của NH Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) là Standard Chartered (Anh) và Standard Chartered (Hong Kong) đã cùng lúc thoái sạch 154 triệu quyền sở hữu cổ phiếu sang các nhà đầu tư khác. Với việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn nắm giữ tại ACB, Standard Chartered đã chấm dứt “mối duyên” sau hơn 12 năm đồng hành cùng một NH của VN.
Trong năm 2017, thị trường tài chính NH cũng đã chứng kiến hàng loạt thương vụ rút vốn của cổ đông chiến lược nước ngoài tại NH Việt. Ví dụ, NH ANZ bán toàn bộ mảng dịch vụ NH bán lẻ tại VN cho NH Shinhan VN.
Chia sẻ với báo chí, ông Farhan Faruqui, Giám đốc điều hành khối kinh doanh quốc tế tại Tập đoàn ANZ, nói: “Thương vụ này nằm trong chiến lược đơn giản hóa NH và tăng hiệu suất vốn của chúng tôi. Điều này cho phép chúng tôi tập trung nguồn lực vào mảng kinh doanh lớn nhất của ANZ tại châu Á là khối khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính”.
Một thương vụ khác cũng gây xôn xao giới tài chính là NH Kỹ thương (Techcombank) chia tay đối tác ngoại lâu năm HSBC thông qua việc mua lại cổ phần làm cổ phiếu quỹ. Trước khi thoái toàn bộ vốn, HSBC sở hữu 19,41% vốn, tương đương hơn 172,35 triệu cổ phần của Techcombank. Ước tính giá trị thương vụ này lên đến hơn 4.000 tỉ đồng.
Một trong những lý do khiến ngân hàng ngoại chia tay với ngân hàng Việt là do sự hợp tác không còn “mặn nồng”. Trong ảnh: BNP Paribas không còn là cổ đông của OCB. Ảnh: TL
Nhiều lý do dẫn đến chia tay
Tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần (không muốn nêu tên) nhận định: Một trong những lý do khiến các NH ngoại kém mặn mà khi tham gia vào lĩnh vực tài chính, NH tại VN là do tỉ lệ sở hữu bị giới hạn ở mức thấp, không được vượt quá 30%.
“Với tỉ lệ này thì họ không thể chi phối, kiểm soát và khó có tiếng nói quyết định trong việc đưa ra chiến lược kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động của NH. Nói cách khác, việc giới hạn này khiến nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa có được tiếng nói quyết định trong hội đồng quản trị” - vị tổng giám đốc trên phân tích.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH, nhìn nhận hiện tượng NH ngoại thoái vốn một phần hoặc toàn bộ vốn tại một số NH ở VN là do các nhà đầu tư ngoại thay đổi chiến lược kinh doanh. Cụ thể là các đối tác ngoại không muốn chiến lược kinh doanh bị trùng lắp, kém hiệu quả.
“Việc tồn tại song song một chi nhánh và là cổ đông chiến lược ở một NH khác sẽ dẫn đến sự chồng chéo và mâu thuẫn lợi ích, đặc biệt trong bối cảnh nhiều NH nước ngoài hiện nay cũng cần phải tái cơ cấu” - TS Cấn Văn Lực nhận định.
Trong khi đó, một số ý kiến khác nhận định sau một thời gian dài hợp tác, nếu hai bên không giải quyết được các bất đồng phát sinh hoặc tìm được tiếng nói chung thì cuộc “hôn nhân” đổ vỡ.
Tìm cách giữ chân
Nhiều người tỏ ra lo lắng trước động thái quay gót ra đi của NH ngoại. Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực đánh giá: “Các nhà đầu tư ngoại rút vốn khỏi thị trường VN không phải là một xu hướng. Bởi thực tế trong năm 2017, dòng vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vào VN tăng rất mạnh. Riêng việc mua cổ phiếu và trái phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài đã lên tới 1,8 tỉ USD, trong đó 1 tỉ USD là mua cổ phiếu và 800 triệu USD là mua trái phiếu”.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng hiện tượng NH ngoại thoái vốn, rút khỏi NH nội không đáng quan ngại. Lý do là thị trường tài chính NH cũng như thị trường chứng khoán của VN vẫn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
Thông tin từ website của NH Nhà nước cho hay hiện nay có tám NH 100% vốn nước ngoài, hai NH liên doanh, 51 chi nhánh và 51 văn phòng đại diện NH nước ngoài đang hoạt động tại VN. |
Đặc biệt, thị trường NH bán lẻ của VN còn rất tiềm năng, các NH ngoại hẳn biết rất rõ điều đó. Bằng chứng là các NH ở khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia… vẫn đang hoạt động hiệu quả tại nước ta.
Tuy vậy, TS Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ lo ngại: Dù ngành NH Việt đã có những bước tiến quan trọng nhưng trong mắt những nhà kinh doanh tài chính truyền thống thì VN vẫn là một thị trường rủi ro. Chẳng hạn trên thị trường huy động chưa được vận hành theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế và chưa có sự minh bạch. Điều này cần phải được khắc phục.
“Đâu đó vẫn còn tồn tại tình trạng trả lãi ngoài để hút khách, hút ngoại tệ thông qua khuyến mãi, cộng điểm… Đối với các nhà đầu tư nước ngoài thì với một thị trường không minh bạch như thế sẽ rất khó cho họ làm việc” - TS Hiếu phân tích.
Đồng quan điểm, lãnh đạo một NH nhận định nếu tỉ lệ sở hữu cho đối tác nước ngoài được nâng lên cao hơn nữa thì sẽ thu hút được các NH ngoại tham gia vào thị trường NH tại VN. Ví dụ nới room của các NH thương mại nhỏ lên 49% hoặc 51%. Điều này giúp cạnh tranh trên lĩnh vực này sôi động hơn, chuyên nghiệp hơn và người vay lẫn người gửi tiền sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn tốt.
Lúng túng về quản trị TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, nhận xét: Ngay cả một số NH nước ngoài đã tham gia vào ban lãnh đạo, hội đồng quản trị, ban điều hành thì họ cũng khó “hội nhập” với lãnh đạo của NH Việt trong vấn đề điều hành. Bởi họ đã quen với việc quản trị theo chuẩn mực quốc tế trong khi một số NH Việt lại chưa làm được điều này. Đó là chưa kể về vấn đề quản trị rủi ro, VN vẫn đang ở trong giai đoạn áp dụng chuẩn mực an toàn vốn theo Basel 1, Basel 2. “NH trụ sở chính của họ tại các nước phương Tây đã áp dụng tiêu chuẩn Basel 3 trong khi chúng ta vẫn loay hoay ở Basel 1, Basel 2. Do đó, đối tác ngoại tỏ ra lúng túng trong vấn đề quản trị rủi ro trong ngành tài chính NH tại VN” - ông Hiếu nhận xét. |