“Năm 1971-1972, ở đây chết nhiều lắm. Dân làng tham gia du kích, vào tận Ấp chiến lược, là vùng của địch ngày ấy để tuyên truyền nên bị sát hại. “Mùa hè đỏ lửa”, xã An Nhơn Tây gần như bị xóa sổ”, ông Nguyễn Văn Lũm, một cựu chiến binh trầm ngâm nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Tạc trao quyết định cho ông Nguyễn Văn Lũm
Năm nay ông đã 63 tuổi, chiến tranh đã đi qua, hòa bình đã lập lại hơn 40 năm, nhưng kí ức những năm tháng ác liệt đó, ông và đồng đội mãi mãi không thể nào quên.
“Sự sống ngày đó như ngọn đèn trước gió. Nhớ có bận, chúng tôi toàn ăn gạo sấy, gạo bỏ vào nước lạnh nở bung ra rồi mình ăn, chớ nấu nướng gì đâu. Nhưng nước mất thì nhà tan, khó khăn vậy chứ hơn chúng tôi cũng theo cách mạng”, ông Lũm nhớ lại.
Ông Lũm là thương binh 2/4, ngụ tại ấp Xóm Mới, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi.
Hôm nay (17-12), theo chân Hội công chứng viên TP.HCM, chúng tôi được trở về thăm quê hương đất thép thành đồng. Chuyến đi nhằm trao tặng nhà tình nghĩa cho hai gia đình cựu chiến binh, thân nhân liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn.
Gia đình ông Nguyễn Văn Lũm là một trong hai gia đình được trao tặng sáng 17-12.
Niềm hạnh phúc của hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Lũm trong căn nhà mới
Hôm nay gia đình ông Lũm vui lắm. Ông kể chuyện, nhà ông ngày trước nằm trên hố bom, bị sụt lún. Theo thời gian, ngôi nhà hỏng hóc xuống cấp nghiêm trọng nhưng mãi không có tiền sửa. “Hai vợ chợ làm ruộng, cũng chỉ đủ ăn qua ngày, trời mưa nhà dột tứ tung, cực lắm, đêm cứ nằm nghĩ không biết bao giờ mới có cái nhà lành lặn mà ở. Hôm nay được vào nhà mới, nhà khang trang như thế này, thật không biết nói gì hơn”, ông Lũm nghẹn ngào.
Căn nhà ông Lũm do Văn phòng công chứng huyện Củ Chi, văn phòng công chứng Nguyễn Thị Tạc và văn phòng công chứng quận 8 tài trợ.
Gia đình ông Lũm chụp ảnh cùng các nhà tài trợ và lãnh đạo địa phương trước căn nhà mới.
Bà Nguyễn Thị Tạc, trưởng Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Tạc, xúc động chia sẻ ngôi nhà tình nghĩa là đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần đùm lá rách của dân tộc. “Củ Chi là quê hương đất thép thành đồng, đồng bào ta hi sinh rất nhiều trong kháng chiến, đời sống đồng bào giờ còn khó khăn như vậy. Ngôi nhà này không phải lớn, cũng không có quá nhiều điều kiện nhưng sẽ là nơi che mưa che nắng giúp anh chị vượt qua khó khăn”, bà Tạc nghẹn lời.
Bà Huỳnh Cao Kim Phi – Phó Chủ tịch UBND xã An Nhơn Tây, cho biết xã An Nhơn Tây là xã có nhiều gia đình chính sách nhất huyện Củ Chi, hơn 2400 gia đình chính sách với hơn 200 mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện tại chỉ còn 15 mẹ còn sống.
Cũng trong ngày 17-12, đại diện Hội công chứng viên TP.HCM đã đến trao tặng nhà tình nghĩa cho chị Phạm Thị Phương (50 tuổi, ngụ tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi). Chị Phương là con liệt sỹ. Ngôi nhà 32m2 trị giá 70 triệu đồng là món quà do Hội công chứng viên thành phố ủng hộ. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động “Nghĩa tình đồng đội”. Với ông Nguyễn Đình Môn (Trưởng Văn phòng công chứng Quận 8), ông coi Thái Mỹ như quê hương thứ hai của mình. Ông nguyên là Đại đội trưởng đội đặc công, từng chỉ huy nhiều trận chiến tại đây và cũng bị bắt tại đây. Ông Môn nhớ lại: “Ngày 20-6-1974 tôi bị bắt tại ấp Mỹ Khánh, xã Thái Mỹ. Hôm đi xuống trinh sát, không may bị địch tập kích cài gián điệp, chúng đánh điểm từ 7h sáng đến 4,5h chiều thì tôi bị bắt, đồng đội hi sinh gần hết. Tôi vẫn nhớ những năm 73,74, theo vận động của lãnh đạo địa phương, những người dân Thái Mỹ ngày ấy đã dũng cảm rời ấp chiến lược để khiêng thương binh đơn vị chúng tôi về căn cứ ở An Nhơn Tây. Trận đó thương binh nhiều lắm. Họ ở lại trong căn cứ chúng tôi, 1 ngày 1 đêm ấy để hôm sau chúng tôi đưa trở về. Ngày đó, ở ấp chiến lược chỉ cần vắng mặt 1 ngày, sẽ bị chính quyền “hỏi thăm sức khỏe” ngay. Bà con rất dũng cảm! Bởi vậy, năm nào chúng tôi cũng trở về để tưởng nhớ 5 người đồng đội đã hi sinh và những người đã giúp đỡ chúng tôi những năm tháng đó”. |