Kể đến đây ông lặng người. Ông là Trung úy Vũ Văn Hấn, nguyên chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 22 Tăng thiết giáp, Quân đoàn 4, là một trong 60 thương binh nặng đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu).
Ông Hà Văn Hấn nhớ lại người đồng đội hi sinh ở mặt trận Tà Xanh
20 tuổi, ông đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc, năm 81 ông cùng đồng đội sang chiến trường Campuchia, chiến đấu ở mặt trận Tà Xanh. Ông kể chuyện, hồi đó cả bốn anh em trong chuyến xe đó còn trẻ, mới mười chín đôi mươi, chưa ai lập gia đình.
“Hôm đó, trên đường rút quân, xe trúng bom. Sau tiếng nổ lớn, tôi bị bắn thẳng lên trời rớt xuống ngất lịm, một đồng chí bị thương nhẹ, hai người hi sinh, trong đó có một anh là lái xe... Sau này mọi người kể lại, tôi bị bắn thẳng lên trời rớt xuống ngất lịm, may có dân công hỏa tuyến ở đó nên được cứu kịp thời, một đồng chí bị thương nhẹ, hai người hi sinh, trong đó có một anh là lái xe. Bom nổ khiến cần lái bị hỏng đập nát phần đùi, đâm xuyên chân anh, mọi người cố gắng nhưng không kéo anh ra được. Anh biết không qua khỏi nên bảo ai có điếu thuốc cho anh xin, anh hút cho ấm trước khi đi”.
Rưng rưng nghe câu hát: “Có người lính mùa thu ấy ra đi từ đó không về”, bà Huỳnh Thị Mai xúc động hồi tưởng lại những năm tháng chiến tranh đã lấy đi sức khỏe và tuổi thanh xuân của mình.
Những năm chiến tranh diễn ra ác liệt, chứng kiến cảnh quê hương Hóc Môn bị giặc càn quét, tàn phá, cô gái trẻ 18 tuổi Huỳnh Thị Mai xin phép gia đình đi vào vùng chiến sự Trảng Bàng, Tây Ninh khói lửa năm 1968. Bà ngoại là người đích thân đưa cháu gái đi với niềm tin cháu sẽ trở về khi đất nước yên bóng giặc. Vào chiến trường, bà được giao nhiệm vụ cứu thương.
Bà Huỳnh Thị Mai gắn bó với chiếc xe lăn trong phần đời còn lại
Trong một lần hai bên đánh nhau, địch bắn pháo ác liệt, bà bị một miểng pháo văng vào cột sống, mê man bất tỉnh mấy tháng trời. Tỉnh lại, cô gái trẻ đau đớn khi nhận ra đôi chân vĩnh viễn không thể cử động được nữa. Bà được tiếp tục điều trị tại Tây Ninh và đến năm 1977 thì vào ở hẳn Trung tâm điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất.
Bà chia sẻ những năm qua sống tại trung tâm, người thân lần lượt qua đời nên đã coi các bệnh nhân, bác sĩ y tá là người thân, trung tâm là mái nhà của mình. Nhìn lại những năm tháng đã qua, bà bảo không hối tiếc: “Đã xác định vào chiến trường là chấp nhận mất mát nên nỗi đau này có là gì. Những đồng đội của tôi có người đã vĩnh viễn nằm lại nơi đất lạnh”.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Sở Tư pháp TP.HCM động viên các thương binh cố gắng vượt qua khó khăn
Có không ít mối tình đã nảy nở tại Trung tâm điều dưỡng. Năm 1983, người thanh niên Nguyễn Đình Chiểu lên đường vào chiến trường Campuchia chiến đấu.
Năm 1986, trong một lần tuần tra, ông giẫm phải mìn bị cắt cụt hai chân. Năm 1990, ông được đưa về Trung tâm điều dưỡng chăm sóc. Ngày qua tháng lại ở trung tâm, một cô hộ lý đã để ý đến người lính chịu nhiều thiệt thòi, hiền lành và đem lòng yêu mến. Đám cưới đơn sơ diễn ra dưới sự chứng kiến của tập thể trung tâm đầy ấm áp. Hơn hai mươi năm sau, đứa con đầu của ông bà đã quyết định học ngành y và giờ trở thành một y sĩ phục vụ các bệnh nhân nơi đây.
Đại diện nhà tài trợ thăm hỏi, động viên các thương binh nặng đang điều trị tại trung tâm
Bà Trịnh Thị Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất cho biết hiện trung tâm đang chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng cho 60 thương binh nặng. Mỗi năm, trung tâm cũng tiếp nhận và điều trị cho từ 2.500 – 3.000 lượt bệnh nhân.
Hầu hết thương binh ở đây đều là những người lính trực tiếp chiến đấu ở các chiến trường không may bị thương nặng, mất đi một phần cơ thể. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng cán bộ trung tâm đều cố gắng xây dựng trung tâm thành ngôi nhà thứ hai ấm áp cho các thương bệnh binh, giúp họ dần quên đi nỗi đau, khiếm khuyết trên cơ thể.
Ngoài ra, các thương binh nặng được tham gia sinh hoạt tập thể như ca hát, tập thể dục, thể thao, lao động, vật lý trị liệu. Các y bác sĩ luân phiên túc trực theo dõi bệnh nhân 24/24 giờ. Bà Anh kể: “Nhiều năm về trước, nhiều bệnh nhân khi mới về luôn trong trạng thái kích động, nhất là khi thời tiết thay đổi khiến các y bác sĩ thường xuyên bị đuổi đánh. Thế nhưng, vượt qua tất cả, chúng tôi luôn chăm sóc tận tình cho bệnh nhân như chính người thân của mình. Sau thời gian điều trị, các bệnh nhân đã dần ổn định lại tinh thần”.
Trung tâm Điều dưỡng thương binh Long Đất hiện đang nuôi dưỡng và điều trị cho 60 thương binh nặng
Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất tạm biệt chúng tôi trong cơn mưa tầm tã. Cơn mưa như nước mắt đất mẹ thương những người con quê hương đã vĩnh viễn nằm lại xuống đổi lấy hòa bình, độc lập cho Tổ quốc hôm nay!
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, đại diện Hội Cựu chiến binh Sở Tư pháp TP.HCM đã đến thăm hỏi, tặng quà nhằm hỗ trợ chăm sóc cho các thương binh nặng đang điều trị, điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất (Bà Rịa-Vũng Tàu). Tại đây, đoàn đã trao tận tay những phần quà ấm áp nghĩa tình đến những người lính từng vào sinh ra tử, gửi lại một phần xương máu trên chiến trường. Những phần quà này do Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình (TBS Group) và Công ty Luật Toàn Cơ tài trợ.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Sở Tư pháp TP.HCM bày tỏ sự xúc động khi về thăm trung tâm. Thay mặt đoàn, ông gửi lời chia sẻ, động viên các anh chị, các cô chú, các bác thương binh tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, cố gắng điều trị, vượt qua bệnh tật. Buổi thăm hỏi, tặng quà này nằm trong chuỗi các hoạt động của chương trình “Nghĩa tình đồng đội” do Hội Cựu chiến binh Sở Tư pháp TP.HCM phối hợp với Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức. |