Chị Ngọc kể anh Quý trở về từ chiến trường Campuchia khi không còn lành lặn. Vết thương do bom mìn đã khiến anh liệt hai chân, bể cột sống, đứt tủy, phải nằm một chỗ và mất mọi chức năng sinh hoạt cũng như thiên chức làm cha.
Gạt đi mặc cảm trở thành phế nhân của anh Quý, chị Ngọc quyết tâm đến với anh để ngày đêm chăm sóc, bù đắp mất mát cho người mình yêu. “Vợ chồng là duyên phận trời định, một ngày sống với nhau cũng nên nghĩa trăm năm huống chi anh Quý đã hy sinh cả thân mình vì dân, vì nước. Bác sĩ từng chẩn đoán anh chỉ sống được năm năm, cùng lắm là 10 năm nhưng anh đã cùng tôi vượt qua được 32 năm” - chị rưng rưng.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm trao bằng khen cho các cá nhân được tuyên dương.
Chị Ngọc tâm sự dù trải qua chuỗi ngày dài với biết bao vất vả, cực khổ nhưng vợ chồng chị luôn động viên nhau vượt qua khó khăn. Chị luôn coi anh là trụ cột trong gia đình, không bao giờ để anh cảm thấy mình là người thừa. Biết anh ham đọc sách hơn cả ăn ngủ, chị tằn tiện từng đồng mua sách cho anh. “Tôi chỉ mong ước anh sống mãi với tôi vì anh chính là niềm hạnh phúc của đời tôi” - chị Ngọc nói.
Chị Ngọc kể về anh Quý với tất cả yêu thương, trìu mến.
Hoàn cảnh cũng éo le không kém chị Ngọc là bà Đỗ Thị Thanh Thu, năm nay đã bước sang tuổi 81. Trở về từ chiến trường với chứng nhận thương binh 3/4 nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn còn bám dai dẳng lấy cuộc đời bà. Di chứng chất độc da cam quái ác đã tước đi đứa con đầu của bà khi mới 16 tuổi. Còn đứa con thứ hai năm nay đã ngoài bốn mươi vẫn cứ ngơ ngẩn như trẻ lên ba.
Các gương tiêu biểu giao lưu tại chương trình, bà Thu (mặc áo xanh từ trái sang).
Ngoài công việc chính là bác sĩ quân y, bà Thu thường tranh thủ thức khuya dậy sớm đi khắp hang cùng ngõ hẻm bán bánh cam kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Nhưng hễ có đồng dôi ra là bà lại không ngần ngại chia sẻ với những mảnh đời còn khó khăn hơn mình. Năm 2014, bà bán căn nhà 80 m2 để mua căn chung cư 40 m2, đủ chỗ cho hai mẹ con. Còn số tiền dư, bà hỗ trợ hơn 60 triệu đồng xây nhà tình nghĩa cho đồng đội. Bà bảo: “Mỗi lần lâm vào khó khăn, tôi luôn tự động viên phải cố gắng vượt qua để còn là chỗ dựa cho con. Mình nghèo nhưng còn có lương, người ta còn khó khăn, bơ vơ gấp bội nên cần giúp đỡ. Nếu mỗi người giúp một ít thôi thì xã hội cũng bớt được gánh nặng phần nào”.
"110 cá nhân được vinh danh hôm nay là những tấm gương sáng tiêu biểu cho ý chí và nghị lực. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng với tinh thần của “người lính bộ đội cụ Hồ”, họ đã vượt lên tất cả, vượt lên chính mình, luôn lạc quan tin tưởng thể hiện ý chí “tàn mà không phế”, chí thú làm ăn, căn cơ thoát nghèo bền vững. Đây còn là những tấm gương thể hiện tình cảm thương yêu, nghĩa vợ chồng thủy chung son sắt..., không quản ngại mọi khó khăn vất vả, gian nan trong cuộc sống, ngày đêm tận tình, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho người thân của mình” - bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, xúc động phát biểu.
Có mặt tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, đã ghi nhận những đóng góp, hy sinh vô bờ bến của những con người đã từng vào sinh ra tử trong chiến trường nay lại tiếp tục đối đầu với nhiều khó khăn cuộc sống đời thường. Bà nhắc nhở các đoàn thể cần quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện hơn nữa cho thương binh để họ có cuộc sống tốt hơn bằng những việc làm thiết thực, giá trị. Bà cũng yêu cầu các cơ quan MTTQ giám sát, rà soát để làm thủ tục công nhận danh hiệu liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng kịp thời hơn.
Buổi lễ đã vinh danh 60 gương thương binh vượt khó vươn lên trong cuộc sống, 50 gương điển hình chăm lo thương binh không quản ngại khó khăn, vất vả. Đồng thời trao giải cho các tác phẩm chất lượng đạt giải hội thi viết “Gương trọn nghĩa, vẹn tình, cùng thương binh vượt khó”.