Vì sao khó xử lý tội mua bán người?

(PLO)- Quá trình định tội danh, nhận thức về cấu thành tội phạm mua bán người của một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa thống nhất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại hội thảo “Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người tại một số địa phương và định hướng sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người” do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 6-7, các đại biểu cho rằng việc xử lý hành vi mua bán người rất khó chứng minh tính mục đích.

Thực tiễn cho thấy một số địa phương do gặp khó khăn trong việc chứng minh tội phạm này nên phải chuyển sang xử lý về tội khác như tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 349), tội môi giới mại dâm…

Cấu thành tội phạm hẹp hơn so với nghị định thư

BLHS năm 2015 đã có những sửa đổi đối với cấu thành cơ bản của tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 150, Điều 151 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) theo hướng mô tả cụ thể hành vi khách quan. Theo đó, hành vi mua bán người gồm đầy đủ ba dấu hiệu: Hành vi, thủ đoạn và mục đích.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: YC

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: YC

TS Lê Thị Vân Anh (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp) nhận xét rằng cấu thành tội mua bán người có phần hẹp hơn so với nghị định thư mà Việt Nam tham gia. Cụ thể, điểm c khoản 1 Điều 150 và điểm c khoản 1 Điều 151 BLHS năm 2015 quy định hành vi tuyển mộ, vận chuyển hoặc chứa chấp người nhằm mục đích chuyển giao hoặc tiếp nhận người mới được coi là hành vi mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi. Trong khi đó, theo nghị định thư thì cần xử lý về tội mua bán người đối với trường hợp thực hiện hành vi tuyển mộ, vận chuyển hoặc chứa chấp người nhằm mục đích bóc lột.

Theo TS Vân Anh, mặc dù trường hợp người thực hiện hành vi tuyển mộ, vận chuyển hoặc chứa chấp người khác trái pháp luật nhằm mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức sức lao động hoặc lấy bộ phận cơ thể thì tùy từng trường hợp xử lý. Có thể vận dụng Điều 157 BLHS về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật hoặc một số tội danh khác trong trường hợp phạm tội chưa đạt để xử lý như tội hiếp dâm; tội cưỡng bức lao động; tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người...

Tuy nhiên, việc vận dụng các tội danh này để xử lý không phản ánh đúng bản chất, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người nhằm mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể...

Đề xuất xử lý pháp nhân

Theo nhiều đại biểu, tội mua bán người, tội mua bán trẻ em là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Nhiều quốc gia đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với loại tội phạm này như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc...

Tuy nhiên, Việt Nam chưa quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với loại tội phạm này. Điều này sẽ dẫn tới những khó khăn trong quá trình hợp tác quốc tế do xung đột về pháp luật.

Khó chứng minh ý thức chủ quan

Phân tích thêm, ông Nguyễn Quốc Hùng (Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Tháp) cho rằng rất khó xử lý về tội mua bán người vì không chứng minh được về ý thức chủ quan. Theo ông Hùng, hành vi khách quan hoàn toàn phù hợp với việc mua bán người nhưng ý thức chủ quan thì rất khó chứng minh. Giữa mô tả hành vi khách quan và ý thức chủ quan không tìm được điểm tương đồng và nguyên tắc phát hiện đến đâu xử đến đó nên các cơ quan chức năng thường xử lý về tội khác như xuất cảnh trái phép...

ThS Nguyễn Văn Tùng (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TAND Tối cao) thì cho rằng Điều 150, Điều 151 BLHS và Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP đã mô tả một số hành vi khách quan của tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, việc chứng minh mục đích trong nhiều trường hợp rất khó khăn.

Theo ThS Tùng, trong nhiều vụ án, chứng cứ buộc tội chủ yếu là lời khai của nạn nhân, mà nạn nhân thường không biết được kẻ phạm tội đã hưởng lợi bao nhiêu hoặc có thỏa thuận về việc hưởng lợi hay không; hoặc nạn nhân bị bán ra nước ngoài rất khó thu thập chứng cứ. Nạn nhân cũng không nhìn thấy việc giao nhận tiền giữa người mua và người bán. Bị can, bị cáo thì một mực không thừa nhận việc hưởng lợi.

Cạnh đó, theo ThS Tùng, quá trình định tội danh, nhận thức về cấu thành tội phạm mua bán người của một số cơ quan tiến hành tố tụng cũng chưa thống nhất. Cụ thể, có cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng chỉ cần có sự thỏa thuận về việc đổi người để lấy một lợi ích vật chất là đã cấu thành tội phạm nhưng cũng có cơ quan khác lại cho rằng cần phải có việc thực tế hưởng lợi.•

Lý do các vụ mua bán người ít được xử lý

Lý giải về số lượng các vụ phạm tội về mua bán người giảm, xử lý còn ít so với thực tế, đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết nếu các hành vi khách quan như giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác… được thực hiện ở nước ngoài hoặc bị hại đang ở nước ngoài thì việc xác minh, thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn. Quá trình giải quyết rất ít chứng cứ vật chất, nạn nhân có tâm lý xấu hổ, lo sợ, né tránh.

Cạnh đó, năng lực của một số cán bộ, điều tra viên còn hạn chế; nhận thức về pháp luật chưa thống nhất, dẫn đến tình trạng vụ việc có nội dung tương đồng nhưng ở địa phương này thì xử lý, khởi tố được; ở địa phương khác thì không xử lý được hoặc phải chuyển tội danh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm