Gần đây, nhiều chuyên gia quân sự nhận định rằng chiến trường Ukraine đang trở thành "sân thử" cho các loại vũ khí, trang bị tiên tiến nhất của Nga và phương Tây. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng ban đầu, nhiều loại khí tài được đánh giá cao đã không phát huy được tối đa sức mạnh, thậm chí một số loại còn trở nên vô dụng và thất thế.
Lựu pháo M777 của Mỹ hết thời?
Theo tờ The Wall Street Journal (WSJ), một trong những khí tài tiên tiến của phương Tây không thể phát huy hết tác dụng tại Ukraine là lựu pháo M777 cỡ nòng 155 mm do Mỹ sản xuất.
Nhờ có tầm bắn xa, độ chính xác cao, dễ dàng khai hỏa, thuận lợi cho việc ngụy trang và có hỏa lực lớn, lựu pháo M777 từng được quân đội Mỹ tuyên bố là loại pháo mạnh nhất thế giới vào năm 2014.
Do đó, quân đội Ukraine từng đặt nhiều kỳ vọng vào loại lựu pháo này. Ukraine tin rằng M777 sẽ giúp các đơn vị Kiev giành lợi thế trên chiến trường và hỗ trợ quân Ukraine chống lại các đợt tấn công của quân đối phương.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của quân Ukraine, lựu pháo M777 không thể phát huy hết sức mạnh trên chiến trường. Thậm chí, loại vũ khí tiên tiến này chỉ được dùng nhiều trong thời gian đầu chiến sự.
Do là loại pháo kéo, kém cơ động so với các loại pháo tự hành hiện đại, M777 trở thành mục tiêu dễ dàng cho các đợt pháo kích của quân Nga. WSJ dẫn thông tin từ Lầu Năm Góc rằng hơn 2/3 số lựu pháo M777 mà Mỹ viện trợ cho Ukraine đã bị phá hủy trên chiến trường.
Đầu năm 2024, Tướng James Rainey - Chỉ huy Lực lượng Tác chiến hiện đại thuộc Lục quân Mỹ - nhận định rằng xung đột Nga-Ukraine bộc lộ hạn chế của M777 và đánh dấu sự kết thúc cho thời đại của loại pháo kéo này.
Hệ thống phòng không Pantsir S1 của Nga cũng gây thất vọng
Theo chuyên trang quân sự The Drive, hệ thống phòng không Pantsir-S1 được quân Nga mệnh danh là “mãnh thú trên chiến trường”, với khả năng đối phó đa dạng các mục tiêu trên không như máy bay không người lái (UAV), trực thăng, bom dẫn đường, tên lửa đạn đạo,...
Theo The Drive, ngay từ đầu chiến sự, quân Nga kỳ vọng rằng Pantsir-S1 sẽ là loại vũ khí giúp bảo vệ các đơn vị Moscow khỏi các hiểm họa trên không, cũng như vô hiệu hóa các đợt tấn công của quân đối phương.
Tuy nhiên, Pantsir-S1 đã nhiều lần không thể chặn đứng UAV và tên lửa của quân Ukraine. Thậm chí, một số tổ hợp Pantsir-S1 còn bị quân Ukraine tấn công, chịu hư hại nặng.
Theo trang Mil.in.ua dẫn nguồn tin chiến sự từ Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine rằng cuối hồi tháng 4 các đơn vị Kiev đã triển khai các UAV Leleka-100 tấn công các đơn vị Nga tại làng Kodema (phía nam TP Bakhmut, tỉnh Donetsk). Kết quả, Ukraine đã phá hủy được đơn vị tập kết khí tài của quân Nga tại địa phương này, mặc dù đơn vị này được cho là có trang bị hệ thống phòng không Pantsir-S1.
Tháng 7-2023, quân đội Ukraine đăng tải một đoạn video quay cảnh hệ thống phòng không Pantsir-S1 của Nga phóng 2 quả đạn pháo để đánh chặn 1 tên lửa hành trình Storm Shadow, do Anh viện trợ cho Ukraine, đang lao tới.
Tuy nhiên, cả 2 quả đạn pháo đều không bắn trúng mục tiêu, tên lửa Storm Shadow sau đó đã vượt qua lưới phòng không của Nga, đánh trúng mục tiêu và gây thiệt hại nặng nề cho quân Moscow.
Phía Nga chưa từng công bố số lượng Pantsir-S1 bị thiệt hại trên chiến trường Ukraine, nhưng theo chuyên trang quân sự The War Monitor, tính từ đầu chiến sự đến nay, các đơn vị Ukraine phá hủy hơn 30 hệ thống phòng không Pantsir-S1 của đối phương.
Loạt chiến tăng, tiêm kích hạng nặng cũng không gây được tiếng vang
Theo The Drive, dù được kỳ vọng có thể giúp binh sĩ giành lấy lợi thế trên chiến trường, song nhiều xe tăng chiến đấu của Nga và phương Tây không gây được tiếng vang. Trong số những xe tăng đó bao gồm các xe tăng chiến đấu bọc thép Leopard-2, Challenger-2, Abram M1A1 của phương Tây viện trợ Ukraine, hay các dòng xe tăng T90, T80 của quân Nga.
Các phương tiện truyền thông của Nga, Ukraine trong thời gian qua nhiều lần đưa tin rằng những xe tăng trên đã không ít lần bị các đội UAV, pháo binh, và tên lửa của đối phương đánh trúng, gây thiệt hại.
Ngoài ra, một số loại máy bay chiến đấu tiên tiến như Ka-52 và Mi-28 của Nga, cũng như MiG-29 của Ukraine cũng không đáp ứng được kỳ vọng khi chúng nhiều lần bị các hệ thống phòng không và các đơn vị mặt đất của đối phương bắn hạ.
Vì đâu nên nỗi?
Theo tờ The New York Times, loạt khí tài tiên tiến của Nga và phương Tây gặp nhiều khó trong việc thể hiện sức mạnh trên chiến trường Ukraine do chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố.
Một là địa hình phức tạp. Xung đột tại Ukraine diễn ra trên nhiều địa hình khác nhau như rừng rậm, đầm lầy, đô thị,... Những địa hình này gây cản trở cho việc triển khai các loại khí tài hạng nặng, đặc biệt là xe tăng và pháo binh.
Hai là thiếu hụt kinh nghiệm vận hành. Theo The New York Times, việc sử dụng thành thạo các khí tài tiên tiến, hiện đại được xem là yếu tố then chốt, mang tính chiến lược đối với lực lượng 2 bên. Vì chỉ khi binh sĩ nắm được cách vận hành và có chuyên môn kỹ thuật cao thì mới có thể phát huy được tối đa uy lực của khí tài.
Đây cũng là lý do khiến Ukraine chưa nhận được máy bay chiến đấu F-16 vì Mỹ và các đồng minh phương Tây muốn đào tạo phi công Ukraine sử dụng thành thạo loại máy bay này.
Ba là khó khăn trong công tác hậu cần, bảo dưỡng. Khí tài tiên tiến thường đòi hỏi công tác hậu cần, bảo dưỡng phức tạp hơn so với các loại khí tài thông thường. Điều này dẫn đến nhu cầu cao về chuyên môn kỹ thuật, trang thiết bị, phụ tùng thay thế,...
Ngoài ra, việc phải thay đổi địa điểm đóng quân để phù hợp với kế hoạch tác chiến cũng khiến quá trình cung cấp nhiên liệu, đạn dược cho các loại khí tài gặp nhiều khó khăn.
Cuối cùng là sự thay đổi trong chiến lược tác chiến. Theo The New York Times, khác với thời gian đầu chiến sự, trong những tháng gần đây, xung đột Nga-Ukraine đã trở thành cuộc giằng co về vị trí, khi 2 bên liên tục oanh tạc nhau bằng hỏa lực khí tài hạng nặng, cách xa hàng chục, thậm chí hàng trăm km. Điều này khiến các khí tài cận chiến gần như vô dụng.