Vì sao mỗi tín chỉ carbon rừng của Việt Nam được bán với giá 5 USD?

(PLO)- Một số ý kiến thắc mắc vì sao mỗi tín chỉ carbon rừng của Việt Nam chỉ được bán với giá 5 USD mà không phải cao hơn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2020, Bộ NN&PTNT với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng thế giới (WB) với tư cách là bên được uỷ thác của Quỹ Đối tác Carbon lâm nghiệp (FCPF) đã cùng ký Thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).

Theo thoả thuận này Việt Nam sẽ chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2 ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho FCPF thông qua WB với đơn giá theo thỏa thuận là 5 USD/tấn CO2. Tổng số tiền chuyển nhượng theo thoả thuận tương đương 51,5 triệu USD, khoảng hơn 1.200 tỉ đồng.

Gần đây, một số ý kiến thắc mắc vì sao mỗi tín chỉ carbon rừng của Việt Nam chỉ được bán với giá 5 USD mà không phải ở mức giá cao hơn?

Lý giải về mức giá này, trao đổi với PLO, đại diện Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, cho biết:

Hiện nay có hai cách tiếp cận đối với thị trường carbon trên thế giới. Đó là thị trường carbon bắt buộc và thị trường carbon tự nguyện.

tín chỉ carbon rừng.jpg
Việt Nam nhận được hơn 1.200 tỉ đồng từ WB chi trả cho việc chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng. Ảnh minh hoạ: PLO

Thị trường carbon bắt buộc thường do quốc gia quy định và được thành lập và vận hành nhằm mục tiêu thực hiện các cam kết giảm phát thải nêu tại NDC và chỉ giao dịch ở thị trường trong nước. NDC là cam kết của quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu của Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại hội nghị lần thứ 21 (COP 21).

Thị trường carbon tự nguyện thường dựa trên cơ sở các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia.

Thực hiện Nghị định số 107/2022/NĐ-CP và theo Thỏa thuận ERPA vùng Bắc Trung Bộ được ký kết, đơn giá tín chỉ carbon rừng chuyển nhượng là 5USD/tấn CO2. Theo đó, phía WB đã hỗ trợ Việt Nam chi phí thực hiện đo đếm và xác minh, thẩm định kết quả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2019. Đối với lượng tín chỉ chuyển nhượng 10,3 triệu tấn, WB sẽ chuyển giao lại khoảng 95% lượng giảm phát thải đã ký để Việt Nam thực hiện đóng góp vào NDC.

Thực tế là, lượng giảm phát thải chuyển nhượng cho WB là lượng giảm phát thải được tạo ra từ rừng tự nhiên giai đoạn 2018-2019, đây là kết quả tạo ra trong quá khứ. Vì vậy, thực hiện ERPA là cơ hội để Việt Nam có thể tiếp cận với thị trường các-bon tự nguyện, huy động nguồn tài chính bổ sung cho công tác bảo vệ và phát triển rừng vùng Bắc Trung Bộ.

Hơn nữa, sau khi phía Việt Nam chuyển nhượng đầy đủ 10,3 triệu tấn CO2, WB thực hiện các thủ tục thanh toán ngay cho Việt Nam số tiền đã cam kết mà không cần phải chờ tìm được bên nhận mua (không giống như một số Thỏa thuận, chương trình khác đang tiếp cận, đàm phán ký kết là Việt Nam sẽ được thanh toán với điều kiện là chuyển nhượng đủ lượng giảm phát thải và đối tác tìm kiếm được bên nhận mua).

Trong khi đó, giá carbon lĩnh vực lâm nghiệp/hệ sinh thái trên thị trường tự nguyện thế giới từ 2,51 USD/tấn CO2 (năm 2020) đến 3,07 USD/tấn CO2 (năm 2019 và 2021). Và theo Live Carbon Prices Today, Carbon Price Charts Carbon Credits (trang web cập nhập thời gian thực về tín chỉ carbon trên thế giới), giá carbon thời điểm tháng 1-2024 là 0,21 USD/tấn CO2.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm