Phát triển thị trường tín chỉ carbon là một lựa chọn tốt của Việt Nam

(PLO)- Việt Nam phải chấp nhận luật chơi chung của toàn cầu, chi phí phát triển kinh tế đi kèm năng lượng sạch sẽ đắt đỏ hơn so với các quốc gia phát triển trong thời kỳ trước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp: Ứng dụng nhiên liệu LNG nền tảng cho lộ trình giảm phát thải nhà kính” do báo Xây dựng tổ chức chiều 30-1 tại Hà Nội.

Thách thức phát triển năng lượng sạch

Theo phân tích của TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Việt Nam phải chấp nhận luật chơi chung của toàn cầu, chi phí phát triển kinh tế đi kèm năng lượng sạch sẽ đắt đỏ hơn so với các quốc gia phát triển trong thời kỳ trước.

nganh-nang-luong-tai-tao-viet-nam-can-lam-gi-khi-luat-choi-toan-cau-da-thay-doiB.jpg
TS Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế
Ban Kinh tế Trung ương.

Dù vậy, quá trình dịch chuyển sang năng lượng tái tạo ví như LNG không hề đơn giản và dễ thực hiện. Theo phân tích của ông Tú Anh, chuyển đổi sang năng lượng sạch đòi hỏi một nguồn lực khổng lồ. Ước tính chỉ để phục vụ riêng chuyển đổi năng lượng than sang năng lượng tái tạo mỗi năm Việt Nam cần từ 25 -30 tỉ USD.

Ngoài ra, một cản trở khác nằm ở việc Việt Nam đang phụ thuộc vào nguồn công nghệ nước ngoài trong ngành năng lượng tái tạo. Cùng với đó, chi phí năng lượng tái tạo vẫn cao, tạo gánh nặng lên cho nền kinh tế, giảm khả năng tiếp cận năng lượng đối với người nghèo.

Dù vậy, ông Tú Anh cũng chỉ ra Việt Nam cũng có những lợi thế nổi trội để phát triển năng lượng tái tạo. Việt Nam có lợi thế tỉ lệ phủ rừng tăng nhanh lên 60%, nhanh nhất thế giới. Do đó, phát triển thị trường tín chỉ Carbon là một lựa chọn tốt.

Cần vận hành thị trường cho năng lượng tái tạo

TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam chỉ ra một số điểm nghẽn còn tồn tại cản trở sự phát triển của LNG tại Việt Nam. Ông Thập phân tích, để cho ngành năng lượng tái tạo phát triển, cần đến sự tăng trưởng về nhu cầu điện đủ lớn để giúp bù đắp cho chi phí đầu tư của các doanh nghiệp. Tuy nhiên có một thực tế, thị trường tiêu thụ điện ở Việt Nam tăng chậm so với mục tiêu trong các quy hoạch điện.

Chuyển đổi sang năng lượng sạch đòi hỏi chi phí rất cao
TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam.

Ông Thập chỉ ra doanh nghiệp muốn đầu tư vào LNG cũng gặp khó về vấn đề tỉ giá khi mà họ mua LNG phải thanh toán bằng ngoại tệ, nhưng khi bán ra thu về lại bằng tiền đồng Việt Nam. Trong bối cảnh tỉ giá biến động bất thường, không thể tránh khỏi việc nhà đầu tư phải chịu thua lỗ tỉ giá, chính vì vậy nhiều doanh nghiệp đang kêu gọi cần được bảo đảm về tỉ giá cũng như khối lượng LNG bán ra.

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh khó khăn và thách thức lớn nhất hiện nay nằm ở việc thiếu cơ chế, chính sách cho mọi hoạt động của chuỗi khi điện LNG và tiêu thụ điện LNG. Đồng thời đề xuất điện khí LNG cần được vận hành theo thông lệ quốc tế đó là thị trường và thị trường dài hạn; giá điện và giá khí LNG cần phải neo theo giá dầu thô trong công thức giá,...

Ngoài ra, ông Thập cho rằng cần mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện theo sát với mục tiêu trong các quy hoạch điện: Quy hoạch, xây dựng tập trung và đồng bộ cụm kho cảng LNG, nhà máy điện và các khu công nghiệp/nhà máy có quy mô sử dụng điện đủ lớn; thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư các loại hình khu công nghiệp/nhà máy cam kết tiêu thụ điện dài hạn cùng với chuỗi nhà máy điện và kho cảng LNG,...

Việc giảm phát thải nhà kính thông qua sử dụng năng lượng sạch cũng là điều mà các nhà đầu tư nước ngoài vô cùng quan tâm. Thứ trưởng Jose Fernandez, phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường tại Bộ Ngoại giao Mỹ, trong cuộc gặp gỡ mới đây với báo chí đã có chia sẻ định hướng hợp tác với Việt Nam.

Thứ trưởng Jose Fernandez khẳng định về con số 15 công ty bán dẫn Mỹ sẵn sàng đầu tư 8 tỉ USD vào Việt Nam. Dù vậy ông cũng nói đến một số cản trở mà phía Việt Nam cần phải sớm giải quyết, trước tiên đó là cần phải sử dụng năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu về môi trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm