Chiều 7-12 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI nhận định, Việt Nam có nhiều cơ hội, thuận lợi cho phát triển điện khí LNG. Nhiệt điện khí LNG cũng là giải pháp hạn chế phụ thuộc điện vào các nhà máy nhiệt điện than. Đặc biệt giúp ngành điện phát triển "xanh" hơn, góp phần thực hiện cam kết mạnh mẽ tại hội nghị COP26.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, phát triển điện khí LNG tại Việt Nam cũng có những khó khăn vì nước ta phải nhập khẩu hoàn toàn loại nhiên liệu khí hóa lỏng, chiếm từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất. Thách thức đặt ra là cần xây dựng cơ chế giá phù hợp, vừa thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu vừa đảm bảo không tác động tới giá bán lẻ điện.
Tại diễn đàn, các chuyên gia trong ngành cùng với các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đưa ra các ý kiến và giải pháp nhằm tháo gỡ những nút thắt để hiện thực hóa mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII.
Cụ thể theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguồn điện để phát triển điện khí LNG đang gặp phải không ít thách thức. Đơn cử như, khung khổ pháp lý cho các dự án điện khí LNG ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ mua bán LNG quốc tế. Trong khi Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu..
Phát triển các dự án LNG thường đòi hỏi nguồn vốn lên tới hàng tỷ USD cho cả chuỗi khí - điện, vì vậy để các nhà đầu tư "đổ tiền" vào các dự án cần phải hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý, cung cấp tài chính cho các dự án.
Từ phân tích trên, theo ông Long, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí thì cần thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG cũng như mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện khí LNG. Đồng thời, Chính phủ cần sớm phê duyệt các Kế hoạch thực hiện các quy hoạch trên để làm cơ sở cho việc triển khai các dự án năng lượng.
Đưa ra kiến nghị, ông Nguyễn Văn Phụng - Chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị Doanh nghiệp - cho rằng, vấn đề thứ nhất là về cơ chế giá điện. "Điện khí LNG dứt khoát phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường, không có chuyện áp mức giá thấp để bảo đảm khung giá điện thấp đi", ông Phụng nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, cần phải loại bỏ tư duy lâu nay các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang sử dụng để sản xuất ra điện như than, nắng, gió, khí, dầu, thủy điện,… thuộc quyền sở hữu toàn dân, cho nên điện sinh hoạt của người dân phải để mức thấp nhất, thậm chí Nhà nước phải bù cho dân. "Thay đổi được tư duy này, chúng ta mới có cơ hội xóa bỏ tương quan bất hợp lý trong giá điện sinh hoạt lâu nay".
Đối với điện khí LNG, ông Phụng cho rằng, thực tế hiện nay đã cho thấy giá thành sản xuất điện từ khí LNG chắc chắn cao hơn nhiều so với điện được sản xuất ra từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Do vậy, rất cần phải có một khung giá điện cho nguồn điện này được xây dựng trên phương pháp khoa học, có tham khảo thực tiễn kinh nghiệm ở một số quốc gia đã và đang áp dụng thực hiện tốt.
Nghiên cứu điều chỉnh thuế, phí
Để có thể hiện thực mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII, theo ông Phụng cần điều chỉnh lại ưu đãi thuế TNDN. Một là, điều chỉnh mức thuế suất ưu đãi từ 10% lên mức 15%, điều chỉnh các mức thời gian ưu đãi miễn, giảm thuế để bảo đảm mức thuế suất thực tế không thấp hơn mức thuế suất tối thiểu toàn cầu là 15%.
Hai là, rà soát và đưa ra khỏi danh mục dự án ưu đãi thuế ở mức cao đối với dự án nhiệt điện than, thậm chí bỏ cả ưu đãi thuế đối với các dự án thủy điện. Bởi vì, hiện nay, đã có rất nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại tác động nhiều mặt của thủy điện đối với kinh tế, xã hội, thời tiết, khí hậu,... Như vậy, ưu đãi thuế đối với dự án điện chỉ còn lại áp dụng đối với điện gió, điện mặt trời và điện khí LNG.