Nhà chị Vân (quận 10, TP.HCM) có ba thế hệ sống chung. Bởi vậy, tám năm trước, chị đã tận dụng tối đa diện tích đất xây nhà lên bốn tầng. Chị tham khảo bản vẽ của nhà người quen, lại nhờ một nhóm thợ có nhiều kinh nghiệm chỉnh sửa lại.
Minh họa bố trí ở tầng một của nhà chị Vân với giếng trời đầu tiên được xây sát hông nhà. |
Như hầu hết các gia đình sở hữu mảnh đất dạng ống, gia đình chị cũng bố trí cầu thang ở giữa. Sau phòng khách là tới cầu thang, WC và bếp ăn, xây thêm một giếng trời nhỏ (1,5 m2) nằm ốp lưng với WC, mở cửa ra bếp. Mái giếng trời che kín bằng kính cường lực.
Tuy nhiên, do nhà quá cao, ô thoáng nhỏ nên không có nhiều ánh sáng và gió lan tỏa xuống tầng dưới. Ngoài ra, khu vực bố trí giếng trời ở tầng một không trồng được cây do tối và cũng không kê được gì nhiều. Lúc đầu, gia đình chỉ làm tủ bếp để cất bớt bát đĩa dự phòng khi nhà có khách. Dần dần, góc nhỏ này biến thành một nhà kho lộn xộn khi chất đủ đồ hư hỏng, thùng rác, xô đựng giẻ lau...
Chị Vân đề nghị thợ làm thêm hệ thống thoát nước, thoát khí ở đây để dễ dàng xử lý khi có sự cố. Tuy nhiên, điều này càng làm khu thông tầng thêm lộn xộn. Ngoài ra, tiếng nước chảy khi mưa to khiến người ngồi trong bếp cảm thấy không thoải mái.
Giếng trời cần có diện tích hợp lý để ánh sáng chiếu xuống tầng dưới. Lý tưởng nhất là đường chéo của ô thoáng bằng 2/3 độ cao nhà. Ảnh minh họa: JLA |
Thấy nhà vẫn chưa đủ sáng, chị Vân quyết định thuê thợ đục phần mái để làm thêm một giếng trời ở cầu thang. Nhờ đó, lối lên xuống tầng 2-3 có nhiều ánh sáng hơn. Tuy nhiên, khi thi công, thợ không chừa ô thông gió nào trên mái giếng trời. Bởi thế khu vực này là hộp kín bưng, gây hiệu ứng nhà kính làm nhà nóng hơn bên ngoài nhiều.
Không chỉ thế, nắng chiếu trực tiếp vào cầu thang khiến phần tay vịn gỗ ở tầng trên cùng bị bạc màu và nứt.
KTS Phạm Thanh Truyền cho biết nhà chị Vân đã mắc ba sai lầm khi làm giếng trời.
- Làm giếng trời không có đối lưu không khí.
- Diện tích giếng trời quá nhỏ.
- Mái giếng trời chỉ dùng kính nên ánh nắng chiếu xuyên qua gây hại tới nội thất ở khu vực này.
Theo KTS Truyền, để tránh tình trạng trên, các gia chủ khi làm giếng trời nhất thiết phải lưu ý những điểm sau:
1. Thông gió
Trong thiết kế, các kiến trúc sư thường kết hợp thông gió tự nhiên và thông gió cơ học để tạo nên hiệu quả đối lưu không khí tốt nhất. Mỗi không gian luôn cần lối khí vào và lối khí ra. Lối khí vào nằm ở đầu hướng gió, lối khí ra nằm phía đối diện.
Ô giếng trời cần có diện tích phù hợp để tạo áp suất loãng cuối dòng chảy của luồng khí để khí thải trong nhà thoát ra ngoài. Nhà càng cao thì diện tích ô thoáng càng phải lớn. Lý tưởng nhất là đường chéo của ô thoáng bằng 2/3 độ cao nhà.
Lối khí vào nên bố trí cây xanh để mang ôxy vào nhiều hơn cũng như lọc bớt bụi. Nếu gia chủ bố trí được hồ nước, thác nước đầu hướng gió nữa thì sẽ tốt hơn.
Trên ô thoáng nên dùng mái di dộng để linh hoạt việc thoát hơi nóng. Nếu dùng mái cố định thì xung quanh phải có các ô cửa để thoát khí, cần tính toán hợp lý để mưa không tạt qua các ô này.
2. Chiếu sáng
Với các nhà phố hẹp và dài, việc mở giếng trời để đối lưu không khí còn được kết hợp với việc đưa ánh sáng tự nhiên vào nhà. Các kiến trúc sư thường bố trí giếng trời sao cho tiết kiệm diện tích nhất, tiếp cận được nhiều không gian trong ngôi nhà nhất, để mọi phòng đều có nguồn sáng tự nhiên.
Giếng trời hay được đặt cạnh cầu thang để kết hợp thông thoáng cho không gian này. Tuy nhiên, bạn cần tránh đặt ô thoáng ngay trên vị trí cầu thang vì sẽ gây thừa sáng ở tầng trên mà lại thiếu sáng ở tầng dưới do bị các bậc thang che.
Việc dùng kính cường lực đơn làm mái che ô thoáng rất nguy hiểm, vì nguy cơ vỡ, sụp xuống. Nếu vẫn muốn dùng kính, chủ nhà nên dùng kính cường lực kép có lớp phim PVB ở giữa để tránh nguy hiểm khi bị vỡ. Giải pháp đơn giản nhất là dùng tấm lấy sáng polycarbonate đặc không màu.