Vì sao nhiều người cai nghiện bỏ điều trị giữa chừng?

Sáng 28-5, đoàn làm việc do Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy mại dâm do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã đến làm việc tại Trung tâm Y tế quận Gò Vấp và cơ sở cai nghiện Nhị Xuân (huyện Hóc Môn).

Bà Tiến xem hệ thống quản lý, đặt lịch hẹn bệnh nhân tại Trung tâm Y tế quận Gò Vấp. Ảnh: HL

Báo cáo về tình hình cai nghiện tại Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, ông Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc trung tâm, cho biết từ năm 2013 trung tâm đã triển khai điều  trị nghiện bằng methadone.

Đến tháng 4-2018, cơ sở đã điều trị cho 443 bệnh nhân, đồng thời xét nghiệm các trường hợp nhiễm HIV, đưa vào điều trị cho 125 bệnh nhân. Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cũng là đơn vị triển khai thí điểm điều trị nghiện bằng thuốc suboxone đầu tiên của TP.HCM và cả nước vào tháng 5-2015.

“Mặc dù suboxone có nhiều ưu việt như giúp cắt được cơn nghiện sớm, không có sự tương tác thuốc khi điều trị lao - ARV, bệnh nhân chỉ cần một tuần uống 2-3 lần nhưng số lượng người bỏ điều trị khá cao. Ban đầu số đăng ký hơn 200 người nhưng hiện chỉ còn 42 bệnh nhân. Sở dĩ có tình trạng này có lẽ bởi suboxone cũng có hạn chế là thời gian ngậm thuốc kéo dài 5-30 phút, viên thuốc to, vị quá đắng, bệnh nhân gặp bạn bè rủ rê” - ông Hòa nêu.

Bộ trưởng Bộ Y tế  thăm khu vực khám và điều trị bệnh lao tại Trung tâm Y tế quận Gò Vấp. Ảnh: HL

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân không có BHYT khiến việc điều trị gặp khó khăn, trong đó có 38 người không có giấy tờ tùy thân nên không được mua BHYT. Cơ sở vật chất quá tải khi cùng lúc điều trị cho 700 bệnh nhân. Cũng theo ông Hòa, đơn vị sẵn sàng tự chủ hoạt động khi không còn nguồn tài trợ từ nước ngoài, sử dụng nguồn thu đóng góp của bệnh nhân.

Trao đổi với trung tâm, Bộ trưởng Tiến đánh giá cao hoạt động cai nghiện, phòng chống giảm tác hại của ma túy, HIV/AIDS của trung tâm. Bà Tiến đề nghị trung tâm đẩy mạnh hoạt động truyền thông, mạng lưới tư vấn, phát hiện tư vấn và xét nghiệm, nghiên cứu mô hình tư vấn, phát thuốc tại trạm y tế phường.

Người cai nghiện uống methadone tại Trung tâm Y tế quận Gò Vấp. Ảnh: HL

Bà Tiến cũng đặt vấn đề suboxone được đánh giá hiệu quả, không phải lên trung tâm uống thuốc hằng ngày như methadone nhưng tại sao nhiều người bỏ. Trung tâm y tế vẫn chưa phân tích được nguyên nhân cụ thể.

Tại cơ sở xã hội Nhị Xuân, ông Bùi Thanh Tuấn, Giám đốc cơ sở, cho biết từ tháng 12-2014 đến nay, đơn vị tiếp nhận trên 19.000 lượt người cai nghiện, trong đó hơn 14.000 học viên không có nơi cư trú ổn định, hơn 3.600 học viên tự nguyện, hơn 1.600 học viên cắt cơn cai nghiện cộng đồng. Phối hợp với tòa án quận, huyện đưa hơn 10.000 học viên đi cai nghiện bắt buộc.

Bà Tiến đang tham quan khu vực cai nghiện tự nguyện tại cơ sở xã hội Nhị Xuân. Ảnh: HL

Theo ông Tuấn, thuận lợi của cơ sở là việc cai nghiện được đa số thân nhân đồng tình. Tuy nhiên, số người nghiện ma túy đá trên 70%, bệnh nhân thường có sức khỏe yếu, loạn thần nên cán bộ y tế phải hỗ trợ rất vất vả vì người nghiện dễ bị kích động, tấn công nhân viên, hủy hoại cơ thể.

Mặt khác, việc tuyển dụng cũng khó khăn do ngại công việc vất vả, nguy hiểm. Hiện cơ sở triển khai cai nghiện bằng methadone để mở rộng đối tượng cai nghiện tự nguyện.

Bộ trưởng Bộ Y tế xem hệ thống giám sát camera tại cơ sở xã hội Nhị Xuân. Ảnh: HL

Trao đổi với cơ sở xã hội Nhị Xuân, bà Tiến đánh giá cao việc tiếp nhận quản lý sức khỏe cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú, mục đích giảm tệ nạn xã hội, giúp người nghiện có cơ hội trở về cuộc sống bình thường. Bà Tiến cũng nhìn nhận số người nghiện ma túy đá là bài toán khó, phức tạp vì trên thế giới cũng chưa có phác đồ điều trị.

Ngoài ra, bà Tiến cũng đề nghị các cơ quan chức năng tham mưu có giải pháp giúp đỡ người nghiện. “Có người vào thì khỏi hẳn, có người thì nghiện tái đi tái lại và có những người bệnh mãn tính suốt đời, cần tính toán giải pháp cụ thể để giúp họ” - bà Tiến nói.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới