Ngày 14-11 Sở Công Thương TP.HCM tổ chức tọa đàm “Trao đổi, lấy ý kiến vận hành mô hình dự kiến sàn giao dịch heo trên địa bàn TP.HCM”.
Sàn giao dịch heo của Đài Loan
Sở Công Thương TP.HCM nhận định hiện nay nguồn heo không đồng bộ về phẩm chất, quy cách, tiêu chuẩn. Do thực hiện giết mổ thủ công nên không đảm bảo vệ sinh dịch tễ, vệ sinh ATTP. Chừng nào chưa thay đổi quy trình theo phương pháp mới thì thương lái vẫn giữ vai trò quan trọng và không thể thiếu trong chuỗi cung ứng kinh doanh thịt heo hiện nay.
Người chăn nuôi và người tiêu dùng luôn ở vị trí yếu thế khi người chăn nuôi không chủ động, không quyết định được giá. Người tiêu dùng cũng không nắm được giá.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng quản lý thương mại Sở Công Thương TP.HCM, cho biết qua khảo sát thực tế các sàn giao dịch tại Đài Loan như sàn giao dịch hoa, sàn giao dịch rau của quả, sàn giao dịch heo… hầu hết các mô hình này là của công ty cổ phần, vốn đầu tư không lớn. Xuất phát điểm khá giống Việt Nam, cũng từ các chợ mua bán nhỏ lẻ, nhà nước hỗ trợ đất đai, đầu tư vốn xây dựng cơ sở vật chất, chuỗi logistic và cử người tham gia, theo dõi giám sát.
Sản xuất chăn nuôi heo của Đài Loan khá giống Việt Nam với tổng lượng heo giao dịch mỗi ngày khoảng 20.000 con, trong khi giao dịch heo ở TP.HCM đã 10.000 con/ngày. Không có DN nào tự đầu tư được mà phải có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Sàn giao dịch heo của Đài Loan hình thành từ 1960, khác sàn của một số nước khác là hai bên tự giao dịch mua bán tại sàn, đưa trực tiếp heo tới sàn. Cách làm này không còn phù hợp với thực tế hiện nay.
“Chúng tôi đúc kết được nhiều kinh nghiệm, cả đoàn quyết tâm xây dựng sàn giao dịch heo nhưng có một số điểm chưa phù hợp với TP.HCM. Do đó, dự kiến sẽ tiếp tục tham quan thêm một số mô hình sàn giao dịch heo ở các nước châu Âu để có thêm kinh nghiệm áp dụng mô hình sàn phù hợp hơn” - ông Phương nói.
Ông Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng phòng kinh doanh công ty chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết hiện chợ có 50 sạp và 25 thương lái là những chủ thể nòng cốt đang tham gia hoạt động kinh doanh buôn bán thịt heo. Trong đó thương lái là đối tượng chính ban đầu của chuỗi lưu thông, cung ứng thịt heo nhưng hiện nay lại chưa có sự thống nhất tiêu chuẩn chung về heo hơi nên đã dẫn đến chất lượng sản phẩm hàng hóa không đồng bộ.
Vì vậy, để đảm bảo ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng thì sàn giao dịch heo ra đời sẽ là công cụ hữu hiệu để thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát chất lượng thịt heo và nâng cao hiệu quả quản lý công tác nhà nước.
Vì sao các nước làm được, Việt Nam thì không?
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nhận định trước đây, Việt Nam đã từng thử nghiệm hai sàn giao dịch là cà phê ở Đắk Lắk và tôm ở Cần Giờ nhưng không hiệu quả do không biết chủ thể là ai. Còn hiện tại đã có đủ điều kiện để xây dựng và vận hành sàn giao dịch heo hơi vì có dung lượng thị trường lớn. Đơn cử, quy mô thị trường thịt heo tại thành phố đạt 17.000 tỉ đồng/năm; thị trường TP.HCM giao dịch bình quân 10.000 con heo/ngày.
“Ngoài ra, cơ sở dữ liệu từ Đề án Truy xuất nguồn gốc thịt heo, các đối tượng tham gia đã quen sử dụng thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất… Đây là những thuận lợi bảo đảm cho sàn giao dịch vận hành dễ dàng và hiệu quả” - ông Hòa nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đặt vấn đề phải hiểu bản chất của sàn là gì. Việt Nam từng có sàn giao dịch cà phê nhưng thất bại, nhiều người cho rằng nguyên nhân do cà phê quá dư thừa khiến giá bị "sập".
Tuy nhiên, sàn giao dịch bị các nhà đầu cơ tài chính “đập” bằng cách ném một lượng tiền lớn ra và đặt hàng khống trên sàn làm cho thị trường sụp đổ, làm các DN đi theo bị ảnh hưởng. Nếu muốn giá lên thì họ đẩy giá lên.
Theo ông Nam, Việt Nam từng có sàn cà phê Đắk Lắk nhưng đã thất bại, Singapore sang Việt Nam thành lập sàn giao dịch tiêu cũng thất bại. Thực ra Tại Việt Nam đã có những sàn được Nhà nước cấp đất, xây dựng… nhưng vẫn thất bại, rõ ràng vướng cơ chế.
"Đối với một số sàn định lập ở Việt Nam nhưng DN nước ngoài không được tham gia. Vậy đối với sàn giao dịch heo này thì DN nước ngoài có được tham gia không?" - ông Nam đặt vấn đề.
Mặt khác, đã là sàn giao dịch heo thì cũng giống sàn chứng khoán, nghĩa là đảm bảo tối thiểu 80% được phéo giao dịch thương mại, chi phí phải đảm bảo cho sàn đó hoạt động tồn tại được.
Bản chất của sàn giao dịch hàng hóa là công cụ đảm bảo minh bạch về giá. Chúng ta không lo ngại về chất lượng nhưng sàn sẽ định chất lượng, hàng hóa phải đúng các tiêu chuẩn đặt ra mới được vào sàn.
"Thực tế có nhiều cá nhân muốn bỏ tiền ra làm sàn giao dịch hàng hóa ở TP.HCM, Hà Nội nhưng ra rồi không hoạt động được hoặc khó khăn vì gặp nhiều khó khăn trong cơ chế. Với tầm TP.HCM thì cơ hội gỡ cho DN tư nhân thuận lợi hơn..." - ông Nam nhận định.
Ông cũng ủng hộ quyết tâm của thành phố về lập sàn giao dịch heo. Bới "cả thế giới đều lập sàn giao dịch hàng hóa thì tại sao chúng ta không làm". Tuy nhiên, muốn hay không sàn này phải cổ phần hóa chứ không phải Nhà nước 100%. Nhà nước đóng vai trò quan trọng nhưng chỉ là công cụ ban đầu, còn để hoạt động hiệu quả thì cần có cơ chế. Sàn giao dịch heo phải cổ phần hóa thì mới lành mạnh trong việc làm ăn lỗ chịu.
"Vì sao Đài Loan thành công sàn giao dịch heo trong 23 năm qua. Tôi đã sang Ấn Độ thăm sàn giao dịch hàng hóa, 10 năm sau mới có kết quả, dần dần mới hình thành nên. Sở Công Thương phải hỏi rất kỹ Đài Loan, họ đã thành công thì chúng ta phải tiếp cận sâu, học hỏi bí quyết thành công của họ" - ông Nam gợi ý.