Marc Tucker - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục và Kinh tế Quốc gia Mỹ - nói “Singapore là một quốc gia kỳ diệu".
Trước Thế chiến thứ II, đất nước này chỉ là một cảng nhỏ của Anh. Khi người Anh ra đi, Singapore lâm vào tình thế vô cùng bi đát.
Thế nhưng giờ đây Singapore là một trong những quốc gia phát triển của thế giới, nhờ vào hệ thống giáo dục-đào tạo tiên tiến”.
CNN dẫn lời ông Tucker rằng “Nếu sự phát triển của đảo quốc sư tử là nhờ vào giáo dục thì bí quyết của nền giáo dục nước này chính là chất lượng giáo viên. Đội ngũ giáo viên được chọn từ những học sinh ưu tú nhất”.
Trong những năm sau chiến tranh, lao động ở Singapore có năng lực thấp với giá nhân công rẻ. Thực tế này thôi thúc các quan chức giáo dục Singapore đưa nền giáo dục nước này vươn tầm thế giới.
Trước Thế chiến thứ II, đất nước này chỉ là một cảng nhỏ của Anh. Khi người Anh ra đi, Singapore lâm vào tình thế vô cùng bi đát.
Tuy nhiên, từ những năm 1970, Singapore cần chuyển hướng nền kinh tế sang công nghệ cao. Hệ thống giáo dục và lao động cũng cần bắt kịp đà dịch chuyển đó.
Lúc này, mục tiêu của Singapore là tạo ra nền giáo dục đẳng cấp thế giới cho mọi trẻ em, chuyển từ học vẹt sang khuyến khích sự sáng tạo.
Giám đốc Giáo dục của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Andreas Schleicher nhận định “Lựa chọn duy nhất của Singapore là phát triển giáo dục thật nhanh. Đây cũng là quốc gia đầu tiên nghĩ đến yếu tố nào sẽ giúp trẻ em Singapore thành công trong tương lai.
Người Singapore nhanh chóng nhận ra chỉ “biết” thôi là chưa đủ bởi chúng ta đã có Google. Mấu chốt nằm ở việc chúng ta có thể làm được gì với những kiến thức đã học được và người Singapore hiểu được điều này.
Vì vậy, Singapore và nhiều nước châu Á khác chú trọng đến khả năng áp dụng, sử dụng kiến thức một cách sáng tạo”.
Tầm quan trọng của giáo dục được quan tâm ngay cả trước khi đứa trẻ vào lớp 1. Diana Ong - Hiệu trưởng một trường mẫu giáo ở Singapore - cho biết: “Những năm học mẫu giáo là những năm nền tảng. Tôi nghĩ những năm đầu đời của trẻ rất quan trọng. Nếu trẻ tự tin ở giai đoạn này thì trẻ cũng sẽ tự tin bước vào lớp 1. Không chỉ thông minh mà chúng ta còn muốn trẻ có sức bật tốt”.
Theo ông Schleicher, nhiều phụ huynh châu Á dành ưu tiên hàng đầu cho việc học của con. “Họ sẽ đầu tư cho đến nguồn lực cuối cùng, đồng tiền cuối cùng vào việc học của con. Bạn có thể nhận ra trong tất cả chính sách công, giáo dục nằm ở vị trí đầu tiên”.