Mô hình Sở Giao dịch hàng hóa (Sở GDHH) trên thế giới đã hình thành, phát triển từ lâu và các hoạt động giao dịch hàng hóa tập trung ngày càng phổ biến. Mô hình này giúp cho người nông dân yên tâm sản xuất, giúp các doanh nghiệp đầu tư nguồn vốn hiệu quả, giúp các nhà đầu tư kiếm lợi nhuận thông qua cơ chế chênh lệch giá.
Tại Việt Nam, mô hình này được ghi nhận lần đầu tại Luật Thương mại 2005. Đã từng có các đơn vị ra đời là Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCCE), Sàn Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom -STE), Sở giao dịch hàng hóa INFO. Tuy nhiên đến nay chỉ còn Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) đang hoạt động. Điều này cho thấy hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH tại Việt Nam chưa thực sự phát triển.
Chưa tương xứng với tiềm năng phát triển
Hiện nay, hoạt động của Sở GDHH này được điều chỉnh bởi Mục 3 Chương II Luật Thương mại 2005, Nghị định 158/2006 và Nghị định 51/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 158/2006.
Hơn 19 năm thi hành Nghị định 158/2006, có thể nói hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH ở nước ta đã tạo môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu có được công cụ bảo hiểm giá để chủ động cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cân đối cung cầu.
Tuy nhiên, hoạt động này còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa niêm yết được hàng hóa của Việt Nam trên Sở GDHH ở nước ngoài; chưa có sự tham gia của các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh như các quỹ đầu tư, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài còn rất hạn chế.
Về nguyên nhân chủ quan, sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân đối với hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH chưa đúng mức; chưa coi trọng hoạt động này là phương thức, động lực quan trọng để phát triển kinh tế thương mại, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển thị trường hàng hóa ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực.
Do vậy, cho đến nay, vẫn còn thiếu vắng các công cụ rất cần thiết để thúc đẩy hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH như: Chiến lược phát triển hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở; Chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực giao dịch hàng hóa qua Sở; Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến về GDHH qua Sở…
Bất cập từ khung pháp lý đến thực tiễn
Về mặt khách quan, có thể thấy khung pháp lý về mua bán hàng hóa qua Sở GDHH còn nhiều bất cập, qua một số điểm chính dưới đây.
Thứ nhất là nhiều điểm chưa rõ ràng, chưa minh bạch. Đơn cử như Nghị định 158 quy định về điều kiện thành lập Sở GDHH, một vấn đề hết sức quan trọng cho sự ra đời của Sở GDHH, nhưng chỉ quy định các điều kiện về vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật và điều lệ, hoàn toàn không đề cập đến chủ thể có quyền đề nghị cấp giấy phép thành lập Sở…
Hay quy định về trường hợp thu hồi giấy phép thành lập Sở GDHH nhưng không quy định thủ tục thu hồi giấy phép.
Các quy định thiếu rõ ràng sẽ gây khó khăn, lúng túng cho các cá nhân, tổ chức muốn thành lập Sở GDHH và khi phải làm thủ tục chấm dứt hoạt động trong trường hợp bị thu hồi giấy phép.
Thứ hai, khung pháp lý về mua bán hàng hóa qua Sở GDHH hiện hành chưa đầy đủ, chưa đồng bộ.
Nghị định 158 đang thiếu quy định về một số vấn đề quan trọng đối với hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH, như: Các điều kiện của cổ đông góp vốn thành lập; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động mua bán hàng hóa thực trên thị trường giao dịch hàng hóa; thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư, mua bán hàng hóa tại Sở GDHH…
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, Nghị định 158 chưa quy định hoặc có quy định nhưng chưa cụ thể về các vấn đề: Hình thức đầu tư; trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư, mua bán hàng hóa; vấn đề quản lý dòng tiền, tài sản, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài…
Do vậy, hiện nay chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào mở tài khoản và giao dịch trên Sở GDHH ở Việt Nam trong khi nhu cầu tương đối lớn, đặc biệt đối với các mặt hàng của Việt Nam sản xuất và kim ngạch xuất khẩu lớn như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, gạo.
Ngoài ra, Nghị định 158 quy định hai loại phí là phí thành viên và phí giao dịch nhưng cho đến nay, Bộ Tài chính (được giao) chưa ban hành văn bản hướng dẫn về các vấn đề này.
Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có quy định pháp lý chặt chẽ về quản lý ngoại hối đối với việc chuyển tiền thanh toán ra nước ngoài trong hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH ở nước ngoài. Điều này dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc kê khai, quyết toán thuế và chuyển tiền ra nước ngoài.
Thứ ba, vẫn còn tồn tại những quy định bất hợp lý, chồng chéo. Nghị định 158 quy định Sở GDHH là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định của Nghị định này.
Như vậy, có thể hiểu, Sở GDHH vừa được thành lập theo Luật Doanh nghiệp (bằng hình thức đăng ký thành lập doanh nghiệp) vừa được thành lập theo Nghị định 158 (theo giấy phép thành lập do Bộ Công Thương cấp). Hậu quả là Sở GDHH vừa phải thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp, đồng thời phải thực hiện các nhiệm vụ của Sở GDHH theo quy định của Nghị định 158.
Cơ chế này vừa không rõ ràng về mối quan hệ giữa doanh nghiệp đã đứng ra thành lập Sở GDHH và Sở GDHH (cũng là một doanh nghiệp độc lập), vừa đặt ra nghĩa vụ tuân thủ rất lớn đối với Sở GDHH.
Thêm nữa, liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH hiện có Thông tư 40/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa. Thông tư này được ban hành trong điều kiện trước đây các Sở GDHH ở Việt Nam chưa được phép liên thông với các Sở GDHH trên thế giới. Tuy nhiên, Nghị định 51/2018 ra đời đã giải quyết vấn đề này.
Do vậy, việc tồn tại song song Thông tư 40/2016/TT-NHNN với Nghị định 51 hiện đang gây ra sự chồng chéo trong quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực mua bán hàng hoá (qua Sở GDHH) giữa Ngân hàng Nhà nước với Bộ Công Thương.
Cần có luật riêng và chiến lược phát triển riêng
Trước những vấn đề đã nêu trên, việc đề ra phương án giải quyết giúp cho hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH phát triển là điều vô cùng cần thiết.
Hiện Chính phủ đã có chỉ đạo và Bộ Công Thương đang chủ trì việc xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 158 và Nghị định 51.
Do vậy, trước mắt, cần tập trung vào việc xây dựng Nghị định thay thế theo hướng tiếp thu đầy đủ ý kiến hợp lý, xác đáng của các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, đặc biệt là Sở GDHH Việt Nam.
Tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam cần sớm có quy hoạch, chiến lược phát triển lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở GDHH, làm cơ sở thu hút đầu tư và chủ động cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cân đối cung cầu trong nước.
Bởi lẽ, lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở GDHH của nước ta đang từng bước thay đổi nhưng vẫn đang thiếu một chiến lược phát triển để thực hiện mục tiêu trở thành một thị trường giao dịch hàng hóa sôi động, lành mạnh, minh bạch và chuyên nghiệp; hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngoài ra, việc ban hành một luật riêng để điều chỉnh về mua bán hàng hóa qua Sở GDHH cũng là điều cần thiết. Điều này nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời thúc đẩy phát triển một lĩnh vực đầu tư tiềm năng, một công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro.
Quy định về giải pháp công nghệ không còn phù hợp
Theo một số chuyên gia, hiện các nhà đầu tư trong nước chỉ được phép ủy thác cho thành viên kinh doanh để thực hiện giao dịch với các Sở GDHH trên thế giới, mà không được đặt lệnh giao dịch trực tiếp. Điều này tạo ra nhiều bất lợi trong tình hình thị trường mua bán hàng hóa luôn biến động; ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhà đầu tư, đặc biệt là khi giá hàng hóa biến động mạnh.
Cạnh đó, Thông tư 38/2013 của Bộ Công Thương quy định về giải pháp công nghệ và yêu cầu kỹ thuật trong hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH đã không còn phù hợp với các quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2023, Nghị định 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân….
Việc đặt ra các yêu cầu kỹ thuật, điều kiện về giải pháp công nghệ tại Thông tư 38 (tương đương với việc quy định các điều kiện về ngành, nghề kinh doanh) cũng là trái với quy định của Khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư 2020.