Ngày 30-12-2024, TAND Tối cao đã ban hành Văn bản số 142/KH-TANDTC-TĐKT về kế hoạch thực hiện công tác thi đua, khen thưởng năm 2025 trong TAND.
Theo đó, năm 2025 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống TAND. TAND Tối cao xây dựng kế hoạch thực hiện công tác thi đua, khen thưởng năm 2025 trong TAND với nhiều nội dung.
Nâng cao chất lượng xét xử
Về mục đích, cần tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo chủ đề thi đua năm 2025: “Đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống tòa án, thực hiện đồng bộ các giải pháp, quyết tâm thực hiện các thắng lợi... Trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, vụ việc.
Tiếp tục triển khai thực hiện các phong trào thi đua theo chủ đề xuyên suốt của TAND: “Vì công lý”, “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”. Bảo đảm thực chất, sáng tạo với phương châm: “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động…
Phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; khắc phục khó khăn, hăng hái thi đua phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao.
Đồng thời ghi nhận, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua. Phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến, vinh danh các danh hiệu “Thẩm phán giỏi”, “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực", gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, mô hình mới, nhân tố mới... trong các lĩnh vực công tác của tòa án, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong TAND và trong xã hội.
Xét xử kịp thời các vụ án kinh tế, tham nhũng
Về các nội dung trọng tâm, cần tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, giữ gìn phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật… Xây dựng đội ngũ cán bộ tòa án liêm chính, chính trực, có bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, nắm vững pháp luật...
Đáng chú ý, về công tác chuyên môn nghiệp vụ, cải cách tư pháp và xây dựng ngành, TAND Tối cao yêu cầu nâng cao chất lượng bản án, quyết định của tòa án, khắc phục triệt để bản án, quyết định bị sửa, hủy nhiều lần, tuyên không rõ, khó thi hành, không ban hành quyết định thi hành án hình sự. Tổ chức xét xử kịp thời các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, gây bức xúc trong xã hội, không để xảy ra oan sai.
Cạnh đó, có giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án hành chính. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, khiếu kiện hành chính theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và các luật tố tụng.
Đồng thời, cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử…
Về công tác thi đua, khen thưởng, TAND Tối cao yêu cầu tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước, xây dựng điển hình tiên tiến trong TAND giai đoạn 2021-2026. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng gắn với lịch sử 80 năm xây dựng và phát triển của TAND; biểu dương nhân rộng gương người tốt, việc tốt, các tập thể, cá nhân điển hình, Thẩm phán giỏi, Thẩm phán tiêu biểu, Thẩm phán mẫu mực; tích cực tổ chức các hội thi về chuyên môn nghiệp vụ khác.
TAND Tối cao cũng đưa ra một số nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, trong quý I năm 2025 cần tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện tốt Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, Luật Tổ chức TAND năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành...