Vì sao thu ngân sách TP.HCM giảm so với Hà Nội?

(PLO)- Từ năm 2022, thu ngân sách của TP.HCM đang giảm so với Hà Nội. Bộ Tài chính cho rằng nguyên nhân chính là do lĩnh vực đất đai.

Sáng 5-10, Đoàn công tác của Đảng đoàn Quốc hội, do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Thành ủy TP.HCM.

Buổi làm việc nhằm tháo gỡ một số khó khăn trong thực hiện các nghị quyết cho TP.HCM. Ảnh: THANH TUYỀN

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM trong quý 3/2024 đạt 7,3%, 9 tháng đầu năm 2024 đạt 6,8%.

Trong đó, doanh thu hàng hóa và dịch vụ tăng 11%, xuất khẩu tăng 10%, IPP tăng 7%, thu ngân sách nhà nước tăng 14,2%... Tuy nhiên, tổng vốn doanh nghiệp đăng ký mới và bổ sung giảm 22%, FDI giảm 5%, giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 20,8%.

TP.HCM cũng giải ngân đầu tư công hơn 20% so với mục tiêu đề ra là 95%.

Theo ông Mãi, TP.HCM dự kiến có 3 chỉ tiêu không đạt gồm tăng trưởng GRDP, tỉ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GRDP và tốc độ tăng năng suất lao động.

Thu ngân sách giảm do hụt nguồn thu từ đất đai

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận lý giải nguyên nhân thu ngân sách của TP.HCM giảm so với Hà Nội.

Thứ trưởng Lê Tấn Cận cho biết đến nay, thu ngân sách của TP.HCM đã đạt gần 77% dự toán. Ngành tài chính cũng đã làm việc với TP.HCM để xây dựng dự toán năm 2025, qua đó đánh giá trong năm 2024, thu ngân sách của TP sẽ vượt gần 2% so với dự toán.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận lý giải nguyên nhân thu ngân sách của TP.HCM giảm so với Hà Nội. Ảnh: THANH TUYỀN

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, TP.HCM và Hà Nội là hai địa phương thu ngân sách dẫn đầu cả nước. Trong năm 2021, TP.HCM thu ngân sách cao hơn Hà Nội trên 40.000 tỷ đồng. Bước sang năm 2022, do ảnh hưởng dịch COVID-19 và tình hình chung, thu ngân sách của TP.HCM giảm so với Hà Nội.

Đến nay, theo dự toán giao thì thu ngân sách giữa TP.HCM và Hà Nội chênh lệch khoảng 30.000 tỉ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, nguyên nhân chính ảnh hưởng đến nguồn thu của TP.HCM là liên quan đến lĩnh vực đất đai và tình hình phục hồi sau dịch.

Phân tích về nguồn thu liên quan lĩnh vực đất đai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết tiền thu sử dụng đất của Hà Nội trong 9 tháng qua đạt gần 33.000 tỉ đồng, còn TP.HCM chỉ khoảng 5.900 tỉ đồng. Mức chênh lệch giữa hai địa phương khoảng 27.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, khi tình hình giao dịch đất đai không được triển khai khiến các khoản thuế từ giao dịch, chuyển nhượng, chuyển quyền, thu nhập và kể cả thuế VAT cũng bị ảnh hưởng khiến việc thu ngân sách giữa TP.HCM với Hà Nội có sự chênh lệch.

Ở nguyên nhân thứ hai, về sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 của các doanh nghiệp, ông Cận nói TP.HCM hiện có gần 280.000 doanh nghiệp, còn Hà Nội là dưới 200.000 doanh nghiệp.

"Nhưng khi triển khai phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, tình hình kê khai về thuế đối với khu vực TP.HCM giảm sút hơn so với Hà Nội. Điều này cho thấy sự phục hồi của các doanh nghiệp tại Hà Nội có sự phát triển hơn" - ông Cận nhìn nhận.

Cạnh đó, ông Cận cũng nêu một nguyên nhân khác là TP không chuyển dịch được đất do liên quan bảng giá đất. "TP.HCM đang triển khai và sẽ công bố bảng giá đất trước ngày 15-10. Hy vọng từ nay tới cuối năm, TP.HCM sẽ có những triển vọng, phát triển tốt hơn để có nguồn thu ngân sách đảm bảo theo dự toán, từ đó tăng thu ngân sách” - Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng của TP.HCM nhiệm kỳ 5 năm không đạt mục tiêu đề ra là đúng với thực tế hiện nay.

Theo ông, cần phải nhìn nhận ở khía cạnh tích cực là sự khôi phục mạnh mẽ của TP.HCM sau đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng đã liên tục được cải thiện. Mặt khác, GRDP của TP.HCM cũng rất lớn nếu đặt trong bối cảnh chung của cả nước và khu vực.

Về tình hình triển khai Nghị quyết 98, ông Mạnh đánh giá, đến nay đã triển khai thực hiện 30/44 cơ chế là kết quả rất tích cực.

Tuy nhiên, vấn đề còn quan ngại là nhóm các chính sách liên quan đến thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như Trung tâm đổi mới sáng tạo, năng lượng sạch… tiến độ triển khai của TP.HCM còn chậm. Ông đặc biệt lưu ý đến tốc độ tăng năng suất lao động của TP.HCM hiện nay.

"Yếu tố này đánh giá chất lượng tăng trưởng của địa phương, Trong khi đó, TP.HCM với vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, là đầu tàu dẫn dắt kinh tế cả nước, việc không đạt chỉ tiêu này đã dẫn đến năng suất lao động chung của cả nước không đạt chỉ tiêu đặt ra. Đây là một trong điểm nghẽn rất quan trọng, TP.HCM không đạt thì cả nước không đạt” - ông Lê Quang Mạnh phân tích.

Mổ xẻ để thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội băn khoăn 3 chỉ tiêu khó đạt được và đặt vấn đề: “Phải chăng có điểm nghẽn liên quan đến kết cấu hạ tầng hay không?”.

Phân tích sâu hơn, ông nhắc đến tỉ lệ giải ngân đầu tư công của TP hiện chỉ đạt 20%. “3 tháng nữa hết năm nhưng Chủ tịch TP.HCM nói phấn đấu đạt 95% thì cần cân đối lại các khả năng” - ông nói.

Ông Thanh cũng cho rằng tiến độ thực hiện dự án Vành đai 3 và một số dự án trọng điểm trên địa bàn cũng còn chậm so với yêu cầu. Ông Thanh nói cần có đánh giá cụ thể dự án Vành đai 3 xem có vướng mắc gì để cái gì cần sửa thì nghiên cứu tháo gỡ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói Quốc hội ủng hộ cả nước và TP.HCM, khi có vấn đề gì khó khăn, vướng mắc thì cần nói rõ. Ảnh: THANH TUYỀN

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị TPHCM đặc biệt quan tâm đến công tác giải ngân đầu tư công khi tốc độ còn chậm. Các cơ quan cần tính toán, xác định rõ nguyên nhân.

"Lý do khách quan thì phải chịu, nhưng nếu chủ quan thì phải xem có sự quyết liệt, quyết tâm không, hay ách tắc chỗ này, chỗ kia rồi đổ lỗi cho luật, cho chủ trương, chính sách chưa đồng bộ. Quốc hội ủng hộ cả nước và TP.HCM, khi có vấn đề gì khó khăn, vướng mắc thì cần nói rõ" - Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới