Chiều nay, 19-7, tại thành phố Tân An, UBND tỉnh Long An và UBND thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An giai đoạn 2023 – 2025.
Tham dự hội nghị về phía TP.HCM có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Về phía tỉnh Long An có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An – Nguyễn Văn Được; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út chủ trì hội nghị.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bí thư Long An Nguyễn Văn Được khẳng định TP.HCM và Long An là 2 địa phương có mối quan hệ gắn kết, nghĩa tình trên nhiều khía cạnh. Bí thư tỉnh ủy mong muốn hai địa phương thẳng thắng trao đổi những “điểm nghẽn” trong quá trình liên kết hợp tác; từ đó, cùng nhau quyết tâm tháo gỡ, thống nhất thực hiện tốt Bản thỏa thuận Hợp tác được ký vào ngày 11-2-2023.
Giai đoạn 2023-2025, TP.HCM và Long An đã thực hiện Bản Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa 2 địa phương. Các nội dung thực hiện hợp tác gồm chương trình liên kết tiêu thụ nông sản chủ lực; Liên kết phát triển hạ tầng giao thông; Triển khai dự án khu liên hợp môi trường xanh.
Qua thời gian thực hiện, các nội dung hợp tác có trọng tâm, trọng điểm; chương trình liên kết tiêu thụ nông sản chủ lực giúp cho người nông dân tỉnh Long An có thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống... Tuy nhiên, việc triển khai thỏa thuận hợp tác vẫn còn tồn tại, hạn chế như việc thực hiện liên kết phát triển hạ tầng giao thông giữa hai địa phương còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; tiến độ triển khai dự án khu liên hợp môi trường xanh chậm.
Tại hội nghị, các sở, ngành giữa TP.HCM và Long An đã nêu ra các vấn đề khó khăn cần được giải quyết, đề nghị lãnh đạo hai địa phương có thống nhất quan điểm và hướng giải pháp trong thời gian tới để triển khai được tốt hơn.
Phát biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út nhấn mạnh hội nghị lần này để 2 địa phương cùng nhau đánh giá toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong thời gian qua; từ đó đề xuất định hướng, giải pháp hợp tác, liên kết trọng tâm và hiệu quả của giai đoạn 2023 – 2025.
“Long An thống nhất với TP.HCM để thực hiện các nhiệm vụ: Rà soát, xử lý các thủ tục pháp lý, các vấn đề còn tồn đọng liên quan đến Khu công nghệ Môi Trường Xanh, song song với việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM phối hợp với tỉnh Long An để làm việc với Công ty Cổ phần Xử lý chất thải Việt Nam - Long An về chủ trương đầu tư Khu công nghệ xử lý rác. Long An sẽ sớm hoàn tất các thủ tục hồ sơ của Vành đai 4 theo quy hoạch được duyệt đúng quy định như lãnh đạo hai địa phương đã thống nhất. Đồng thời các tuyến kết nối giao thông giữa 2 địa phương đẩy nhanh quy hoạch và phát triển mạng lưới giao nhằm kết nối liên vùng giữa TP.HCM và Long An với các tỉnh miền Tây”, ông Út nói.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, sự phát triển của TP.HCM có sự đóng góp rất lớn của các tỉnh, thành, trong đó có tỉnh Long An. Khẳng định sự hợp tác phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ chiến lược lâu dài nhằm phát huy lợi thế mỗi địa phương, đáp ứng xu thế phát triển và hội nhập.
Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM thống nhất với ý kiến phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Long An.
“TP.HCM nhận thức phải liên kết vùng, mở rộng liên kết để phát triển, TP.HCM mong muốn Long An và các địa phương trong vùng phát triển, TP.HCM phát triển mạnh không thể thiếu sự đóng góp hỗ trợ của Long An và Đồng Bằng Sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông", ông nói
Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Về phần khu công nghệ Môi trường xanh, thống nhất Long An báo cáo Thủ Tướng và TP.HCM sẽ có văn bản trong báo cáo này. Long An chủ trì, TP.HCM tham gia làm việc với chủ đầu tư, báo cáo Bộ Xây Dựng tiếp tục hoàn tất hồ sơ dự án.
TP.HCM cũng thống nhất quan điểm kết nối giao thông các tuyến giữa TP.HCM với Long An. TP.HCM tập trung chỉ đạo việc kết nối các tuyến 823D, 826E quốc lộ 50B giữa TP.HCM, Long An và Tiền Giang... Ngoài ra, cần nghiên cứu kết nối tuyến đường sắt TP.HCM với Cần Thơ đẩy nhanh trước năm 2030.
Ông khẳng định: Kết quả thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và tỉnh Long An giai đoạn 2023 – 2025 có ý nghĩa tạo đột phá, khai mở “dư địa” phát triển của hai địa phương thời gian tới...